Trong bối cảnh các nước vẫn đang chia rẽ về nội dung liệu các quy định của Thỏa thuận có nên mang tính ràng buộc pháp lý hay không và liệu chúng có hạn chế các công ty hóa dầu sản xuất nhựa hay không, Việt Nam cần có quan điểm cân bằng để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Chỉ còn chưa đầy 15 tháng nữa thỏa thuận phải được thông qua, trong khi đó còn rất nhiều vấn đề quan trọng chưa được thảo luận tại vòng đàm phán trước. Để tránh bị trì hoãn như những thỏa thuận về biến đổi khí hậu, chương trình môi trường Liên Hợp Quốc đã thúc đẩy bằng cách ngay trong tháng 9, các quốc gia đều phải nộp bản đệ trình của mình.
Theo ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường: "Chúng ta cần có các thông tin, các nghiên cứu, cơ sở thực tiễn và khoa học; rà soát, đánh giá cơ chế, chính sách xem đã phù hợp, đã phản ánh được kỳ vọng để chúng ta tham gia thỏa thuận toàn cầu này hay chưa".
Đặc thù này cũng phải phù hợp với 12 nghĩa vụ cốt lõi mà chương trình môi trường Liên Hợp Quốc đề xuất. Trên thực tế, việc tiêu dùng nhựa nguyên sinh được ưa chuộng hơn hẳn sản phẩm tái chế. Đó là chỉ là một trong những vướng mắc cơ bản của ngành nhựa, đối tượng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng nhất của thỏa thuận lần này. Còn với đơn vị tiêu dùng nhựa, để đáp ứng với nghĩa vụ giảm thiểu, tái sử dụng bao bì nhựa, họ cũng phải giải quyết thách thức khi thiếu dữ liệu cơ bản.
Việt Nam cũng cần phải tính toán trong đệ trình của mình vấn đề cấp bách chung của cả khu vực ASEAN là sự công nhận và hỗ trợ khu vực phi chính thức; xem xét các nguồn tài chính cho thực thi Thỏa thuận.
Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa dự kiến sẽ được thông qua vào năm 2024. Đây sẽ là một ràng buộc quốc tế ảnh hưởng lớn đến sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!