Dấu mốc quan trọng trong 3 năm ứng phó với đại dịch COVID-19
"Bệnh COVID-19 đã đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chí của nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm" – đây là khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp thứ 20 Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 được tổ chức mới đây. Theo đó, trong tháng 6 này, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện các bước để chuyển COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B và công bố hết dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Ban Chỉ đạo quốc gia thống nhất đánh giá bệnh COVID-19 đã đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chí của nhóm bệnh truyễn nhiễm nhóm B theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm - Ảnh: VGP
Sau gần 3 năm phải ứng phó với đại dịch COVID-19, cuộc sống của chúng ta đã trở lại bình thường, mọi hoạt động kinh tế, xã hội được khôi phục hoàn toàn như trước năm 2020. Đại dịch đã làm khoảng 7 triệu người trên thế giới thiệt mạng, trong đó Việt Nam có hơn 43 nghìn người. Nhưng với việc phổ cập tiêm vaccine toàn dân, Việt Nam cũng như các nước đã chặn đứng được sự lây lan của đại dịch. Việc bệnh COVID-19 chuẩn bị được chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B là dấu mốc quan trọng trong suốt gần 3 năm ứng phó với đại dịch COVID-19 của Việt Nam.
Với sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa biện pháp hành chính và khoa học, Việt Nam đã tổng kết được 3 trụ cột và công thức phòng, chống dịch. Nhờ kiểm soát được dịch bệnh, kinh tế xã hội được phục hồi mạnh mẽ. Kết quả này nhờ vào sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế.
Bài học kinh nghiệm quý báu của Việt Nam là luôn đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết; chủ động phòng, chống dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở, có phương án, kịch bản ứng phó với mọi tình huống; điều hành với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, phù hợp, sát thực tiễn; các bộ ngành, địa phương phối hợp theo tinh thần trên dưới đồng lòng. Đặc biệt, ngành y tế cũng đúc rút được nhiều kinh nghiệm, góp phần vào thành công chung, nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh.
Việt Nam đã huy động được 104.000 tỷ đồng, để hỗ trợ 68,67 triệu lượt người và hơn 1,4 triệu người sử dụng lao động trong đại dịch, góp phần khôi phục sản xuất. Đặc biệt, duy trì chuỗi cung ứng lao động trong sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp giúp ổn định, từng bước cải thiện đời sống người dân.
Điều chỉnh chính sách sau khi chuyển COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B
5 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận hơn 87 nghìn người mắc COVID-19. Từ đầu tháng 6 đến nay đã giảm đáng kể. Tuần qua, ghi nhận chưa đến 200 người mắc mới mỗi ngày. Tỷ lệ tử vong giảm mạnh xuống còn 0,02%, Đây đều là những người có bệnh nền nặng... được điều trị từ trước, đa số chưa thể tiêm đủ mũi vaccine phòng COVID-19.
Tỉ lệ người bệnh COVID-19 nhập viện và tỷ lệ nặng thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B, như sốt xuất huyết, tay chân miệng.
Việt Nam là 1 trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19 cao nhất thế giới. Riêng tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại cao gấp đôi so với trung bình thế giới. Đến nay, tổng số liều vaccine đã tiêm là gần 266,5 triệu liều. Tỉ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%. Mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao đạt hơn 89%.
Để chỉ đạo hoạt động phòng, chống dịch, đã có nhiều quy định, biện pháp đặc thù chưa có tiền lệ nên khi chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B sẽ kéo theo việc phải điều chỉnh đồng bộ. Trong đó, chủ yếu là các chính sách cụ thể liên quan đến khám chữa bệnh COVID-19.
Những tấm bảng biển "Khu vực cách ly" đã được gác lại.
Người đến khám, điều trị không còn mối lo thường trực lây nhiễm COVID-19. Bác sỹ cũng không còn phải trang bị bảo hộ đặc chủng hay khẩu trang N95.
Đây là điều dễ nhận thấy ở bất kỳ cơ sở y tế nào, kể cả bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - nơi luôn căng thẳng nhất mỗi khi xảy ra dịch bệnh. Nhưng đối với COVID-19, tới đây, khi có quyết định chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B thì vẫn không có gì thay đổi về phác đồ và phương thức điều trị.
Sự khác biệt chỉ là về chi phí. Với bệnh truyền nhiễm nhóm A, người dân vào cơ sở khám chữa bệnh sẽ được điều trị miễn phí. Còn khi đã là bệnh nhóm B, tất cả không được miễn phí mà thanh toán theo đúng quy định. Người dân có thẻ BHYT sẽ được thanh toán theo đúng mức hưởng ghi trên thẻ.
Ngày 5/5 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới công bố dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu, nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc. Sau công bố này, Văn phòng đại diện của tổ chức này tại Việt Nam đã đưa ra 7 khuyến cáo. Trong đó hàng đầu vẫn là: Không chủ quan, lơ là trước dịch bệnh; Đưa tiêm phòng COVID-19 vào Chương trình tiêm chủng quốc gia hay tiêm chủng suốt đời.
Đại dịch COVID-19 gây bất ngờ cho các nước trên thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam chống dịch nhóm A trên quy mô toàn quốc với nhiều khó khăn chưa có tiền lệ. Nhưng nhờ những quyết sách phù hợp với từng giai đoạn, trong đó đặc biệt là chiến dịch bao phủ vaccine, COVID-19 đã bị đẩy lùi. Điều này sẽ được hiện thực hóa bằng việc điều chỉnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B. Tuy nhiên không vì vậy mà chúng ta lơ là, chủ quan, mất cảnh giác... bởi dịch bệnh có thể tái bùng phát bất cứ thời điểm nào.
Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Sự kiện & Bình luận là 2 khách mời:
- GS.TS. Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
- GS.TS. Bác sỹ Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Quốc gia, Viện Nghiên cứu y khoa Woolcock tại Việt Nam, Trường Đại học Sydney, Australia
Đối với Việt Nam, WHO khuyến nghị tập trung vào 4 vấn đề chính:
Đầu tiên là tiêm phòng. Việt Nam đã triển khai tiêm liều cơ bản với tốc độ và quy mô đáng kinh ngạc. Bây giờ, cần nghĩ đến việc tiêm chủng thường xuyên bởi COVID sẽ không biến mất mà khả năng miễn dịch lại suy yếu dần. Cần tập trung vào mũi nhắc lại, đảm bảo mọi người, nhất là đối tượng dễ bị tổn thương, được tiêm mũi nhắc lại.
Thứ hai là công tác giám sát. Cần tiếp tục theo dõi virus và sự thay đổi tốc độ lây truyền, đảm bảo việc giám sát COVID-19 được tích hợp với giám sát các mầm bệnh đường hô hấp khác, như bệnh cúm. Điều quan trọng, giám sát bộ gene sẽ cho phép WHO theo dõi các biến thể khác nhau và sự thay đổi của chúng, phục vụ cho việc lên kế hoạch và ứng phó.
Thứ ba, cần xem xét đảm bảo nguồn cung vaccine, thuốc, chẩn đoán và điều trị bền vững, đáng tin cậy.
Thứ tư là gắn kết sự tham gia và truyền thông tới cộng đồng về những biện pháp mà họ có thể làm để bảo vệ bản thân và gia đình, nhất là khi virus có thể biến đổi trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!