Chuyện "những người mang hồn Tết” vượt khó giữ mùa xuân

Ngọc Hiền-Thứ hai, ngày 06/01/2025 09:10 GMT+7

VTV.vn - Trước những khó khăn và thách thức, người dân làng đào Nhật Tân vẫn hoan hỉ, quyết tâm mang sắc đào tươi thắm cho một mùa Tết trọn vẹn.

Làng đào Nhật Tân sau bão lũ

Năm 2024 với nhiều biến động và khó khăn buộc người dân phải tự thay đổi để thích nghi, trong đó cả nơi được mệnh danh là "Thủ phủ sắc đào xứ Bắc” - làng đào Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội). Dẫu vậy, sự vui vẻ, hồ hởi vẫn luôn hiện rõ trên khuôn mặt người trồng đào. Giống như những cây non đầy sức sống, "những người mang hồn Tết” nơi đây vì tình yêu và sự gắn bó lâu đời với loài hoa chuyên chở sắc xuân mà vẫn bám trụ với nghề.

Chuyện những người mang hồn Tết” vượt khó giữ mùa xuân - Ảnh 1.

“Thủ phủ sắc đào xứ Bắc” - làng đào Nhật Tân những ngày cuối năm. Ảnh: Phùng Anh.

Theo UBND phường Nhật Tân, mực nước dâng cao kỷ lục vào tháng 9 vừa qua trên sông Hồng, khiến toàn địa bàn có khoảng 25,5 ha đất bãi ngập với khoảng 20.000 cây đào bị ngập nước.

Các hộ trồng đào cho biết, hầu như nhà vườn nào cũng bị thiệt hại, trung bình các hộ thiệt hại từ 30-40%, một số hộ ở vùng trũng bị thiệt hại nặng nề hơn, lên tới 70%, có những nơi thậm chí mất trắng, đành phải trồng thay thế rau quả để “cầm chừng”.

Chuyện những người mang hồn Tết” vượt khó giữ mùa xuân - Ảnh 2.

Người nông dân làng đào tìm cách khắc phục hậu quả sau bão. Ảnh: Phùng Anh.

Chia sẻ với phóng viên Thời báo VTV những ngày cận Tết, chị Trương Hồng Anh, chủ một vườn đào lâu năm tại Nhật Tân (Hà Nội) cho biết, thiệt hại từ cơn bão số 3 khiến sản lượng đào năm nay giảm, riêng nhà tôi thiệt hại khoảng 30%, chi phí chăm sóc cũng tăng do giá vật tư nông nghiệp thay đổi, việc vận chuyển đào cũng trở thành bài toán cần cân nhắc do quy định về phương tiện vận chuyển được siết chặt.

“Thay vì sử dụng xe bò kéo như các năm trước, năm nay nhà vườn phải chuyển sang vận chuyển đào bằng xe tải, xe cẩu. Tuy vậy, chi phí cũng chỉ thay đổi đôi chút, ngược lại, chúng tôi sẽ hỗ trợ khách hàng bằng cách chịu phí nhân công và ưu đãi nhiều hơn đối với khách mua số lượng nhiều hơn 1 cây”, chị Hồng Anh chia sẻ.

Tương tự, câu chuyện của anh Phú Hoàn, một người con của làng đào Nhật Tân chia sẻ, nhiều khách hàng thân thiết, như các trường học, bệnh viện công… chỉ có ngân sách giới hạn nhưng vẫn muốn mua một cây đào to đẹp để bày ở sân rộng. Dù khó, anh vẫn cố gắng tìm cách để chiều lòng khách hàng.

“Năm nay tuy nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi không nỡ tăng giá quá cao vì mong muốn nhà nào cũng có Tết. Với khách quen, mình càng cần phải tạo điều kiện, không chỉ là vì tiền mà còn là tình cảm lâu năm với họ”, anh Hoàn bộc bạch.

Chuyện những người mang hồn Tết” vượt khó giữ mùa xuân - Ảnh 3.

Anh Bảo đang chăm chút lại những gốc đào đã xén để cho vụ sau. Ảnh: Phùng Anh.

Một số nhà vườn hư hại nhiều sau bão cũng có những lựa chọn khác để tránh việc tăng giá quá cao, gây “loạn giá” cho khách hàng. “Cơn bão số 3 khiến vườn tôi thiệt hại khoảng 40% nên tôi quyết định bán hầu hết những cây đào to cho thương lái đi các tỉnh với số lượng lớn, chỉ giữ lại chủ yếu cây vừa và nhỏ. Còn những cây bị hư hại thì xén đi rồi chuyển sang trồng lại cho mùa sau” - anh Ngọc Bảo, quản lý vườn đào cho biết.

Sức sống mãnh liệt trước nghịch cảnh

Khó khăn vẫn hiện hữu, nhưng người dân làng đào Nhật Tân luôn tìm cách khắc phục. Các nhà vườn trong Hội Làng nghề trồng đào đã chung tay khắc phục hậu quả sau bão bằng cách hỗ trợ bán hàng, san sẻ những loại đào còn thiếu và cùng tìm cách bù đắp thiệt hại. Nỗi lo được gánh bớt, niềm vui như lan tỏa thêm trong mỗi nhà vườn.

Niềm hoan hỉ của người trồng đào không chỉ đến từ việc giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, mà còn đến từ mong muốn gìn giữ nét đẹp của nghề truyền thống. Trong từng cành đào được trao đi, còn đó cả sự gắn bó, sẻ chia với những khách hàng đã đồng hành qua nhiều mùa xuân.

Chuyện những người mang hồn Tết” vượt khó giữ mùa xuân - Ảnh 4.

Niềm vui của người dân làng đào là mọi người ai cũng có Tết. Ảnh: Phùng Anh.

Chị Khánh Linh, một khách hàng 20 năm mua đào tại vườn cho biết, nhìn những cây đào vẫn đạt đến độ đẹp sau ảnh hưởng nặng nề của thiên tai đã là một thành quả lớn với người nông dân.

“Họ thấy tôi khách quen nên lấy giá đào như năm ngoái, biết vậy, tôi vẫn đưa thêm một chút cho chủ vườn, không đáng bao nhiêu nhưng vì thấy họ không hét giá, nên tôi thấy an tâm và không ngần ngại chia sẻ khó khăn với người nông dân”, chị Linh chia sẻ.

Dù đối mặt với không ít thách thức, làng đào Nhật Tân vẫn tràn ngập tiếng cười. Với người dân nơi đây, mỗi gốc đào không chỉ là nguồn thu nhập mà còn là biểu tượng của sự gắn bó với nghề truyền thống, của niềm vui được mang sắc xuân đến mọi nhà.

"Khó khăn thì vẫn còn, nhưng Tết là phải vui, phải đủ đầy. Chúng tôi luôn muốn người dân có những cành đào đẹp nhất để đón xuân", anh Hoàn thổ lộ.

Đối với chị Hồng Anh, trồng đào không chỉ là một nghề mà con là việc khiến chị muốn thực hiện cả cuộc đời của mình và truyền lại cho các con về sau.

“Bán đào đâu phải là có ngay cây đào để bán đâu, phải chăm sóc tỉ mỉ trong suốt một năm liền, lúc mọi người đi chơi Tết rồi, chúng tôi vẫn phải tiếp tục chăm chút cho cả những vụ sau nên mới có thành quả như thế. Vì vậy, chỉ cần bán được cho khách mà bớt một chút thì tôi vẫn phấn khởi vô cùng”, chị Hồng Anh vui vẻ nói.

Đào Tết không đơn thuần là một món hàng, mà còn là biểu tượng của sự may mắn, phúc lộc và khởi đầu mới. Ảnh: Phùng Anh.

Làng Nhật Tân (Hà Nội) sau hơn một thế kỷ gắn bó với nghề trồng đào, tiếp tục chứng minh sức sống mãnh liệt trước những nghịch cảnh. Những cây đào nở hoa rực rỡ, mang mùa xuân tươi thắm đến từng con phố, từng gia đình, bất kể khó khăn nào đang chờ phía trước.

Không khí Tết đã len lỏi khắp các con ngõ, nơi người trồng đào tất bật chăm chút từng cành cây để kịp giao đến tay khách hàng. Với nhiều người, việc chọn mua một cành đào không chỉ là thói quen mà còn là cách mang về nhà hơi thở của mùa xuân.

Đào Tết không đơn thuần là một món hàng, mà còn là biểu tượng của sự may mắn, phúc lộc và khởi đầu mới. Những cành đào từ làng Nhật Tân không chỉ gắn bó với các gia đình Hà Nội, mà còn lan tỏa sắc xuân đến mọi miền đất nước, góp phần lưu giữ một nét đẹp truyền thống đầy ý nghĩa trong dịp Tết cổ truyền.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước