Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.404.651 ca mắc COVID-19, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 24.353 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.397.530 ca, trong đó có 2.193.785 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (514.868), Bình Dương (293.032), Hà Nội (156.848), Đồng Nai (99.984), Tây Ninh (88.637).
Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.196.602 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.771 ca, trong đó:- Thở ô xy qua mặt nạ: 1.977 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 369 ca; Thở máy không xâm lấn: 72 ca; Thở máy xâm lấn: 335 ca; ECMO: 18 ca
Tình hình xét nghiệm; Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 32.432.049 mẫu tương đương 77.450.281 lượt người, tăng 42.079 mẫu so với ngày trước đó.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Tổng số vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 183.729.446 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.154.392 liều, tiêm mũi 2 là 74.430.220 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 30.144.834 liều.
TP Hồ Chí Minh chấn chỉnh việc loạn giá khám hậu COVID-19
Tại TP Hồ Chí Minh, sau đợt dịch COVID-19 bùng phát, có nhiều phòng khám, khoa, trung tâm điều trị di chứng hậu COVID-19 ra đời với nhiều mức giá thu khác nhau. Để chấn chỉnh việc này, ngày 9/2, Sở Y tế TP đã có văn bản gửi đến giám đốc các đơn vị trực thuộc, yêu cầu các đơn vị không được điều chỉnh tăng giá các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh kể cả các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.
Các đơn vị không lạm dụng các chỉ định cận lâm sàng khi khám sức khỏe cho người bệnh hậu COVID-19 trong trường hợp không cần thiết, không hạn chế quyền lợi của người bệnh khi đến khám chữa bệnh đối với các bệnh liên quan đến hậu COVID-19 bằng việc gợi ý, ép buộc người bệnh tham gia các gói dịch vụ khám sức khỏe hậu COVID-19 với giá khám theo yêu cầu.
Cụ thể, trường hợp người bệnh có thẻ BHYT và khám chữa bệnh các bệnh lý thuộc danh mục và phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, các đơn vị thu theo giá thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 5/7/2019 của Bộ Y tế.
Trường hợp người bệnh không có thẻ BHYT, các đơn vị thu theo giá thông tư số 14/2019/TT-BYT ngày 5/7/2019 của Bộ Y tế.
Còn trường hợp người bệnh lựa chọn dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, các đơn vị thu giá khám chữa bệnh theo yêu cầu đã kê khai với Sở Y tế và công khai giá để người dân lựa chọn.
Các địa phương lên phương án ứng phó với COVID-19 gia tăng nhanh chóng sau Tết
Theo Bộ Y tế, đến nay, dịch bệnh COVID-19 cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Mặc dù vậy, trong bối cảnh nước ta đang dần mở cửa lại các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế xã hội; nhất là sau Tết Nguyên Đán, người dân trở lại đi làm, đi học....có sự gia tăng giao lưu đi lại của người dân tại tất cả các địa phương, việc tổ chức lễ hội văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, việc thăm hỏi người thân, việc di chuyển của người dân trở lại làm việc sau Tết… dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca nhiễm bệnh sau dịp Tết, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả việc lây nhiễm biến thể Omicron.
Nếu không kiểm soát, số mắc tăng quá mức, sẽ tăng ca nặng, gây quá tải hệ thống y tế dẫn đến nhiều trường hợp tử vong ngoài ý muốn.
Tình hình dịch trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang có nhiều diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng nhanh, có nguy cơ lây nhiễm qua khu vực biên giới vào nội địa. Đặc biệt tại một số địa bàn (xã, bản) thuộc các huyện Tủa Chùa, Mường Ảng và thành phố Điện Biên Phủ có số ca mắc ngoài cộng đồng tăng cao. Chỉ trong 7 ngày đầu tháng 2/2022, toàn tỉnh Điện Biên đã ghi nhận hơn 670 bệnh nhân mắc COVID-19 (trong đó có 470 ca ngoài cộng đồng).
Theo đó, lãnh đạo tỉnh Điện Biên yêu cầu các địa phương trong tỉnh cân nhắc việc tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa, tổ chức thực hiện các tập tục tang ma, lễ cưới của người dân sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, phải nêu cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, bị động và điều hành công tác phòng, chống dịch phù hợp theo từng hoàn cảnh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành y tế tỉnh Hà Nam đang tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan, tiến hành điều tra dịch tễ, lấy mẫu, xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19. Đội ngũ kỹ thuật viên của khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nam đã làm việc xuyên đêm.
Bên cạnh đó, ngành y tế phối hợp với các địa phương tiếp tục thực hiện các hoạt động giám sát, theo dõi sức khỏe các trường hợp hoàn thành cách ly tập trung, bệnh nhân COVID-19 đã được điều trị khỏi xuất viện, người về từ các địa phương đang có dịch để hướng dẫn cách ly, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định; duy trì các hoạt động tiếp nhận, theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm định kỳ đối với các công dân được xác định là F1; các chuyên gia và thân nhân chuyên gia nhập cảnh, công dân Việt Nam về nước đang được cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh theo quy định; đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai tiêm chủng toàn dân, đẩy nhanh tiến độ bao phủ nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và sức khỏe người dân.
Tỉnh Nghệ An cũng đã yêu cầu lãnh đạo các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 10/2 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 403.511.696 ca, trong đó có 5.788.071 người tử vong.
Các nước cũng ghi nhận trên 322.000.000 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 74 triệu ca và trên 90.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 9/2, thế giới có 91 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 70 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong 1 ngày qua, Nga là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 180.000 ca), trong khi Mỹ cũng là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 2.500 ca.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 8/2 lưu ý thế giới đã ghi nhận thêm nửa triệu ca tử vong vì COVID-19 kể từ khi xuất hiện biến thể Omicron. Ông Abdi Mahamud, chuyên gia thuộc Nhóm hỗ trợ quản lý tình hình COVID-19 của WHO, nêu rõ 130 triệu ca nhiễm mới và 500.000 ca tử vong đã được ghi nhận trên toàn cầu kể từ khi biến thể Omicron được tuyên bố là biến thể đáng lo ngại vào cuối tháng 11/2021.
Theo thống kê của trang worldometers.info, trong 24h qua, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 88.048 ca mắc mới COVID-19 và 257 ca tử vong.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!