Bộ GTVT vừa có văn bản phản hồi kiến nghị của đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đề xuất tháo gỡ khó khăn cho các trường hợp sử dụng GPLX tích hợp giữa ô tô và xe máy.
Theo ông Dương Văn Phước, việc tích hợp các loại GPLX và chung một thẻ PET là chủ trương đúng trong cải cách hành chính, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của người dân.
Theo Thông tư số 28/2024 của Bộ Công an, nếu bị tước một trong các loại giấy phép lái xe đã tích hợp trên VNeID thì người dân vẫn có thể sử dụng GPLX còn lại để tham gia giao thông (Ảnh minh họa).
Tuy nhiên, thực tế người dân vi phạm một trong hai phương tiện nhưng do tích hợp nên bị giam cả hai GPLX, đồng nghĩa với việc bị tước cả GPLX không vi phạm. Việc người dân không được sử dụng GPLX không bị vi phạm để đi lại, làm thủ tục cấp, đổi GPLX khi đến hạn… gây rất nhiều bức xúc.
Cũng theo ông Phước, Nghị định số 100/2019 quy định: Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân tổ chức không được làm thủ tục cấp đổi, cấp mới giấy phép, chứng chỉ hành nghề là không phù hợp.
Lý giải vấn đề này, Bộ GTVT cho biết, người dân có quyền tích hợp GPLX các hạng vào chung một thẻ (thẻ PET); tách và đổi GPLX khi cần thiết đã được quy định tại Thông tư số 12/2017 của Bộ GTVT.
Còn tại Thông tư số 30/2022 của Bộ GTVT đã quy định người vi phạm hành chính được quyền điều khiển những loại xe còn lại được ghi trong GPLX tích hợp trong cùng một GPLX (ô tô hoặc xe máy).
Lý giải về thời hạn tước quyền sử dụng đối với GPLX, Bộ GTVT cho biết, Nghị định số 100/2019 đã quy định: Khi người vi phạm bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề nhưng thời hạn còn lại ít hơn thời hạn bị tước thì người có thẩm quyền vẫn ra quyết định xử phạt. Trong thời hạn bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được làm thủ tục cấp đổi, cấp mới.
Trong khi đó, Nghị định số 118/2021 quy định trường hợp thời hạn còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề ngắn hơn thời hạn tước quyền sử dụng thì áp dụng thời hạn tước là thời hạn còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó.
Như vậy, thời hạn tước quyền sử dụng đối với giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Nghị định số 100 chưa thống nhất với thời hạn tước quy định tại Nghị định số 118/2021.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết, theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản ban hành sau.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ GTVT cho biết, trước mắt sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính tước GPLX theo hướng, trường hợp thời hạn còn lại của GPLX ngắn hơn thời hạn tước quyền sử dụng của giấy phép thì áp dụng thời hạn tước là thời hạn còn lại.
Dẫn quy định tại Thông tư số 28/2024 của Bộ Công an, Bộ GTVT cho biết, từ ngày 1/7/2024, lực lượng CSGT bắt đầu kiểm tra, xử lý, tạm giữ hoặc tước GPLX trên ứng dụng VNeID. Lực lượng CSGT sẽ tạm giữ hoặc tước GPLX trên môi trường điện tử thay cho bản cứng.
Do đó, nếu bị tước một trong các loại giấy phép lái xe đã tích hợp trên VNeID thì người dân vẫn có thể sử dụng GPLX còn lại để tham gia giao thông và thực hiện các thủ tục hành chính liên quan.
"Bộ GTVT sẽ nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về cấp, đổi GPLX đảm bảo tính thống nhất đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân", Bộ GTVT cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!