Có nên rút bảo hiểm xã hội 1 lần hay không?

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 30/11/2021 01:00 GMT+7

VTV.vn - Hơn 700.000 người đã rút bảo hiểm xã hội 1 lần trong năm nay. Đây là con số rất đáng lo ngại khi tất cả những người này sẽ không còn lương hưu về già.

Cứ hai người tham gia BHXH thì có một người rời đi

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều người lao động đứng trước những khó khăn rất lớn về tài chính. Trong số những lựa chọn có thể giải quyết khó khăn trước mắt, nhiều người lao động đã quyết định rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần.

Hơn 700.000 người đã rút BHXH một lần trong 10 tháng đầu năm 2021, theo thống kê của BHXH Việt Nam. Con số gấp 1,5 lần so với sáu tháng đầu năm và tăng gần 5,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Có những địa phương, số người rút BHXH 1 lần tăng nhiều lần. Gấp 7 lần là con số người rút BHXH 1 lần trong tháng 10 so với tháng 9 tại Đồng Nai.

5 năm qua, hơn 3,7 triệu lao động đã rời khỏi lưới an sinh bằng cách chọn rút BHXH một lần. Cứ hai người tham gia BHXH thì có một người rời đi. Đó là nỗi lo với lưới an sinh xã hội hiện nay.

Có nên rút bảo hiểm xã hội 1 lần hay không? - Ảnh 1.

Về sự gia tăng việc rút BHXH 1 lần, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lý giải trong chương trình Vấn đề hôm nay: "Rút bảo hiểm 1 lần không phải vấn đề mới nhưng năm nay trước tình hình dịch bệnh thì nó nóng hơn so với mọi năm. Thách thức lớn nhất là độ bao phủ của chính sách bảo hiểm xã hội mà chúng ta thực hiện theo nghị quyết gần như chưa đạt được. Năm 2014, khi trình Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), chúng tôi cũng đã siết lại Điều 60, tức là phải hạn chế 1 lần. Do phản ứng của người lao động cho nên 2015, Quốc hội lại ra Nghị quyết 93 về điều kiện sau một năm nếu không tham gia bảo hiểm vẫn rút 1 lần… Trên một góc độ nào đó, chúng ta chưa thành công trong chính sách này là bởi bản chất của bảo hiểm hưu trí là phải tích lũy cả đời để sau này khi chúng ta suy giảm khả năng lao động không còn khả năng lao động thì có nguồn lương để trang trải cuộc sống".

Ông Huân cho rằng, một trong những nguyên nhân chưa thành công là do chưa tuyên truyền và giải thích cho người lao động một cách rõ ràng cặn kẽ: "Mặc dù hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống các cơ quan thực hành, các tổ chức chính trị xã hội cũng đã tuyên truyền nhưng vẫn chưa đủ. Các chuyên gia cần phải có bài toán so sánh cụ thể để người lao động hiểu hơn việc cân nhắc giữa rút bây giờ và lương hưu sau này. Rút bảo hiểm một lần lại chủ yếu rơi vào số lao động trẻ".

Về một số ý kiến cho rằng có nên rút ngắn đóng bảo hiểm xã hội hưởng lương hưu sớm hơn hay không, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận định: "Thị trường lao động Việt Nam chưa được như các nước khác. Rất nhiều người lao động không thể tham gia thị trường ngay từ lúc 18, 20 tuổi cho nên thời gian tham gia bảo hiểm không thể đủ được 20, 30 năm. Nó còn là vấn đề thách thức về mức lương hưu có đủ sống không. Quan điểm của tôi là mục tiêu lâu dài lương hưu phải tích lũy cả đời".

Rút bảo hiểm xã hội 1 lần là từ bỏ an sinh tuổi già

Bảo hiểm xã hội là chỗ dựa cho người lao động khi về già. Nhưng một điều nhức nhối hiện nay là rất nhiều người còn trẻ, đang trong độ tuổi lao động lại đi rút bảo hiểm xã hội dù đã đóng tới cả chục năm lại từ bỏ điểm tựa tài chính, an sinh của chính mình về sau này.

Tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần không phải là mới nhưng năm nay số lượng người rút gia tăng do dịch bệnh, đời sống khó khăn dù biết rằng sẽ thiệt thòi về sau.

Những ngày gần đây, số người đến làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội ở quận Long Biên, Hà Nội tăng 30 % so với cùng kỳ năm ngoái. Dù được tư vấn, giải thích về quyền lợi nếu bảo lưu năm đóng hoặc chuyển sang đóng bảo hiểm tự nguyện nhưng phần lớn vẫn chọn rút sạch.

Có nên rút bảo hiểm xã hội 1 lần hay không? - Ảnh 2.

Số người đến làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội ở quận Long Biên, Hà Nội tăng 30 % so với cùng kỳ năm ngoái

Từ năm 2020 đến nay, số người đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đã ít đi gần 1 triệu người và phần lớn những người dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đều rút số tiền dự kiến để giành trả lương hưu cho chính họ.

Đây là một thách thức thực sự đối với an sinh xã hội trong những năm tới khi dân số nước ta đang bắt đầu già hóa.

Không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người rút khi lớn tuổi, rút BHXH 1 lần còn ảnh hưởng đến mục tiêu an sinh xã hội của Chính phủ.

Ông Phạm Minh Huân nhấn mạnh: "Hệ thống an sinh xã hội của chúng ta sẽ tiếp tục gặp những thách thức lớn. Độ bao phủ vẫn không đạt được những yêu cầu, mới chỉ đạt khoảng 30%. Như vậy còn gần 70% chưa có một hệ thống gì để bảo đảm cho họ khi mất khả năng lao động hoặc giảm suy giảm khả năng lao động. Về mặt quỹ, rõ ràng khi người lao động đóng vào xong rồi rút lại cũng sẽ ảnh hưởng đến vấn đề quỹ. Thách thức lớn nhất vẫn là chính sách an sinh xã hội của quốc gia vẫn chưa thực hiện được mục tiêu. Các nguyên tắc, quan điểm trong các Nghị quyết rất đúng, rất toàn diện nhưng khi xây dựng chính sách cụ thể của bảo hiểm xã hội thì đều gặp phải vấn đề hết sức khó khăn".

Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia đóng góp và Quốc hội sẽ hoàn chỉnh hệ thống pháp luật. Sau khi có hệ thống pháp luật, chúng ta phải thực hiện sao cho chính xác, đơn giản, hiệu quả.

Với bản thân người lao động, khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội là "của để dành" hàng tháng. Qua nhiều năm của người lao động khi họ còn trẻ khỏe, họ sẽ được nhận lại hằng tháng khi hết tuổi lao động.

Rút tiền bảo hiểm xã hội một lần sẽ có nguồn tài chính nhất định để giải quyết vấn đề trước mắt nhưng không còn cơ hội nhận lương hưu. Điều này sẽ sinh ra nhiều hệ lụy về sau, không chỉ cho chính bản thân họ mà còn cho lưới an sinh xã hội mà chúng ta đang thực hiện.

[Infographic] Người lao động mất quyền lợi gì khi rút BHXH 1 lần? [Infographic] Người lao động mất quyền lợi gì khi rút BHXH 1 lần?

VTV.vn - Người lao động sẽ mất nhiều quyền lợi như không được cấp thẻ BHYT miễn phí, mất của để dành khi về già, không được nhận trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước