Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu COP26 vừa kết thúc cách đây ít ngày tại Glasgow, Vương quốc Anh. Đây có thể xem là những nỗ lực "giờ chót và tốt nhất" cứu Trái đất vì Trái đất vẫn đang nóng dần lên và sự "lung lay" của mục tiêu giảm nhiệt độ toàn cầu 1,5 độ C đặt ra trước đó của Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu tại COP21. Trong khi nhiệt độ bề mặt của Trái Đất đã tăng 1,1 độ C so với mức vào cuối thế kỷ 19.
Cũng vì là "giờ chót" nên Hội nghị đã phải kéo dài thêm một ngày so với dự kiến để có được "sự đồng thuận và ủng hộ" của nhiều nhà lãnh đạo trên toàn cầu về biến đổi khí hậu.
Việt Nam là quốc gia phát thải cao thứ 2 tại Đông Nam Á và là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của nước biển dâng. Chúng ta tham dự COP lần này với tinh thần trách nhiệm cao nhất chống biến đổi khí hậu và đã mạnh mẽ đưa ra cam kết của mình về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã được cộng đồng thế giới hoan nghênh và ủng hộ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng trong ngày đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26).
Để hiện thực hóa mục tiêu hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu thì các quốc gia vào cuối năm sau phải "xem xét lại và củng cố" các mục tiêu cắt giảm khí thải năm 2030. Khởi động cho kiểm soát khí thải sẽ bắt đầu từ thị trường carbon/ hay mua bán tín chỉ carbon.
Mỗi một công ty gây ô nhiễm sẽ có một hạn mức thải CO2 nhất định. Nếu muốn vượt quá hạn mức này họ cần phải mua thêm hạn mức tín chỉ carbon từ các đối tác/ quốc gia khác có khả năng giảm phát thải. 1 tín chỉ tương đương 1 tấn CO2 giảm phát thải. Như vậy việc giao dịch này giúp cân bằng tổng lượng khí thải trên toàn thế giới. Với lợi thế về tự nhiên, rừng.., Việt Nam đang có vai trò quan trọng trong sự cân bằng này.
Việt Nam đã có Thỏa thuận Chi trả giảm phát thải ký với Quỹ Đối tác Carbon trong lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện trong 5 năm đến 2025. Mục tiêu là giảm phát thải 10,3 triệu tấn CO2 trên diện tích 5,1 triệu ha ở 6 tỉnh Bắc Trung bộ và nhận khoản tài chính 51,5 triệu USD.
Thứ hai là Ý định thư được ký kết giữa Bộ NN-PTNT với Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp - cơ quan nhận ủy thác của Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng tại Hội nghị COP26.
Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho tổ chức này hơn 5,1 triệu tấn carbon giảm phát thải từ 4,26 triệu ha rừng tại Nam Trung bộ và Tây Nguyên 2022 - 2026 với tổng giá trị 51,5 triệu USD.
Hiện nay, Quảng Nam là tỉnh đầu tiên trên cả nước thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng, giai đoạn 2021 - 2025, với tổng tín chỉ xuất khẩu dự kiến là 5,2 triệu tấn carbon. Quảng Nam đã hoàn tất các thủ tục lập dự án đấu thầu quốc tế.
Không giống như các hội nghị trước đây, COP 26 có thể không thể hiện sự thành công bằng một Hiệp ước mới hoặc một "chiến thắng lớn", mà tìm kiếm những chiến thắng nhỏ hơn nhưng quan trọng về các cam kết cắt giảm khí thải, tài chính khí hậu và đầu tư.
Những cam kết cao nhất về chống biến đổi khí hậu của Việt Nam trong bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 trong bối cảnh nước ta vẫn phải đương đầu với những khó khăn về nguồn lực, tiếp tục chống chịu với thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt đã thể hiện trách nhiệm cao nhất của Việt Nam với cộng đồng thế giới. Con đường thực hiện những cam kết sẽ không thể dễ dàng nhưng đó xu hướng tất yếu mà chúng ta không thể đứng ngoài.
Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!