Có vốn vay vẫn chưa... giảm nghèo

Quang Phồn,Văn Lương-Thứ sáu, ngày 14/04/2023 21:11 GMT+7

VTV.vn - Tiền đã có nhưng chưa được sử dụng và cũng chưa biết sử dụng như thế nào là thực trạng giải ngân vốn vay cho các chương trình giảm nghèo ở nhiều địa phương.

Xã Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà, Điện Biên) là địa bàn sinh sống chủ yếu của người Mông, có tới hơn 60% dân số là hộ nghèo và cận nghèo. Đây là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu thốn, canh tác vẫn dựa vào thiên nhiên. Xã được phân bổ hơn 5 tỷ đồng vốn vay xoá đói giảm nghèo nhưng năm 2022 vẫn chưa dùng đến lại chuyển sang năm 2023.

Tháng 9/2022, xã mới được giao vốn giảm nghèo. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn vốn này như thế nào sau khi giải ngân cũng là vấn đề khá nan giải. Trong khi chưa tìm được đáp án, số tiền vẫn cứ nằm im tại chỗ và tất cả mới dừng ở kế hoạch.

Tại huyện Mường Chà, do số vốn được cấp muộn cộng với người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, không có định hướng thì họ cũng không biết làm gì với số tiền được cấp nên đến nay mới chỉ sử dụng được 27% và chủ yếu ở huyện, còn các xã chưa có hoạt động gì.

Các công trình giảm nghèo ở huyện được phê duyệt chủ yếu là xây trường mầm non cũng gặp nhiều khó khăn khi tiến độ giải ngân chậm. Nhiều công trình còn chưa lựa chọn được nhà thầu do quy định phải ưu tiên doanh nghiệp địa phương trong khi địa phương không có doanh nghiệp nào. Nếu không tăng tốc triển khai thì khả năng đến khi hết hạn chương trình giảm nghèo vẫn chưa xoá được nghèo.

Có vốn vay vẫn chưa... giảm nghèo - Ảnh 1.

Hiện có 3 Chương trình giảm nghèo cùng được thực hiện ở các vùng khó khăn đó là Chương trình giảm nghèo quốc gia, Chương trình Nông thôn mới và Chương trình của Mặt trận Tổ quốc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi. Nguồn lực rất lớn nhưng do chậm trễ trong việc giải ngân cộng với thiếu sự định hướng nên quá trình thực hiện chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Từ thực tế triển khai tại địa phương, các khó khăn, vướng mắc làm chậm tiến độ giải ngân đã được nhận diện. Cụ thể là một số quy định chưa thống nhất giữa các văn bản của bộ, ngành gây khó khăn, lúng túng cho địa phương, thậm chí có hướng dẫn còn chưa phù hợp với thực tế. Nhiều nội dung công việc quan trọng phải chờ các bộ, ngành có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể.

Để tháo gỡ khó khăn trong triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện trong đó đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương phối hợp cơ quan liên quan xử lý vướng mắc trên tinh thần tháo gỡ các "nút thắt", khơi thông các "điểm nghẽn", phù hợp thực tiễn. Mục đích tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức thực hiện thuận lợi, thông suốt, hoàn thành mục tiêu đề ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước