*Lưu ý: Bài viết có chứa hình ảnh và ngôn từ gây sốc, người đọc cân nhắc trước khi xem
"Người mẹ" của những bào thai
11 năm qua không quản nắng mưa vất vả, người phụ nữ tên Đỗ Thị Cúc, trên chiếc xe đạp "cà tàng" của mình, đã đưa được hàng ngàn những bào thai bị nạo phá tại các bệnh viện, bãi rác mang về nghĩa trang chôn cất…
"Ngày định mệnh" đến trong một lần ra bãi rác gần khu bệnh viện để bới vật liệu phế thải về bán, cô Cúc vô tình tìm được hai chiếc túi một chiếc chứa 7 xác thai nhi và một túi đựng 5 xác thai nhi bị vứt bỏ. Kể từ đó, công việc thu nhận những sinh linh bé nhỏ bị nạo bỏ đến với cô như một sứ mệnh. Sau hơn chục năm làm công việc thiện nguyện này, cô đã an táng cho hàng nghìn thai nhi tại vườn thánh Phú Đa, xã Công Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam.
Hình ảnh chiếc xe đạp cũ kĩ đã đồng hành cùng cô suốt 9 năm qua.
Mỗi ngày cứ thế, ít thì hơn chục km còn nhiều thì đi từ sáng sớm đến tối muộn, cô Cúc mới về để đưa được xác thai nhi về an táng. Cô chia sẻ, hai năm vừa rồi con trai cô thấy đạp xe vất vả nên dạy cô đi xe máy mà đi từ đấy đến bây giờ cũng chỉ dám đi nhanh hơn xe đạp một chút chứ thấy đông người là dắt bộ luôn vì sợ.
Căn nhà của cô Cúc chỉ vỏn vẹn đúng hai cái giường, chiếc TV và chiếc tủ lạnh cũ nhưng trong nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười của 5 đứa trẻ. Cô bảo "hôm nào dù đạp xe 50 - 60 km mà chỉ cần về nhà nghe thấy nụ cười của các con trong nhà là hết mệt luôn".
Những tấm ảnh cũ được cô cất gọn nơi góc tủ bọc trong chiếc túi vải xanh nhỏ mỗi một bức ảnh là một kỉ niệm khó quên với cô.
"Đây! Ảnh này cô nhặt em ở bãi rác, may quá lúc đấy con chó đang tha cái bọc của em đi thì cô đến kịp để mang em về. Ảnh này thì cô tìm thấy em trong cái bọc nhỏ, thai to nên em bị nạo cắt rời hết cả chân tay, thương lắm... Cứ nhìn ảnh lại thấy thương vì cô coi các em như con cô vậy" - cô Cúc kể.
Cô dành riêng một căn phòng nhỏ để làm nơi thắp hương cho những thai nhi và chiếc tủ đông chính là nơi cô bảo quản hơn 2.900 bào thai để đợi đến ngày chôn cất các em.
Có những bọc chứa ít nhất 1 xác thai nhi nhưng có những bọc lớn thì phải có đến hơn chục thai nhi ở trong
Bọc túi được cô bọc kĩ bên trong chứa một xác thai nhi gần 3 tháng.
Không chỉ là những bào thai khoảng từ 1-3 tháng tuổi mà có rất nhiều bào thai lớn hơn thậm chí là 7-8 tháng sắp đến ngày sinh cũng bị hút ra.
Đang ngồi nói chuyện với PV, điện thoại cô Cúc đổ chuông, đầu dây bên kia báo bên bệnh viện có một ca nạo thai. Bỏ hết công việc lại, cô xách chiếc túi và lên đường luôn. Cô Cúc còn chia sẻ thêm: "Quen rồi, người ta gọi mình phải cố gắng đi nhanh nhất có thể để mang các con về mà có những hôm đến phải chờ 4-5 tiếng đồng hồ mới có thể mang được các em về đến nhà".
Ngày hôm sau, tôi quay lại để lắng nghe cô Cúc kể về câu chuyện còn dang dở.
"Lại thêm một thành viên mới về gia đình, em hôm nay chắc khoảng 3 tháng, rõ cả chân tay rồi này. Thôi mẹ em không thương em được thì cô thương em nhé" - vừa an ủi các sinh linh bị bỏ rơi cô Cúc vừa tắm rửa sạch sẽ rồi nhẹ nhàng bọc các em trong những chiếc khăn xô xin từ thầy chùa và các nhà hảo tâm, chờ đến ngày làm lễ chôn cất.
Đang nói chuyện, cô Cúc liền chỉ tay về phía bé Ân đang chơi với bà: "Đấy nhìn con bé Ân kìa! Bụ bẫm, xinh xắn là thế mà bị người đời vứt ra ngoài đường. Hôm cô đi nhặt thai nhi về nghe tiếng khóc trẻ con ở sườn đê nhưng con trai cô lại bảo cô đang mơ. Đến khi cô bước xuống, thấy bé Ân nằm ở góc đê, trời thì lạnh mà chỉ quấn cái tã mỏng dính, người tím lại. May cô bế về kịp, trộm vía con bé tận 3,1kg".
Hình ảnh bé Ân (18 tháng tuổi)
Cô cúc kể bé Ân chỉ quấn những người trong gia đình cô Cúc, nhất quyết không cho người lạ bế. Có nhiều gia đình hiếm muộn đến hỏi nhận bé Ân nhưng cô Cúc không đồng ý bởi ngày nào cô còn sống là còn nuôi được: "Ân là con gái cô rồi, là máu mủ của cô, cho thế nào được".
Trò chuyện một hồi, cô Cúc dắt tôi ra vườn thánh Phú Đa - nơi cô đã chôn cất được hơn 30.000 xác thai nhi và gần 20 cụ già neo đơn qua đời mà không có người chăm sóc.
Những ngôi mộ được cô xây dựng cẩn thận tại vườn thánh Phú Đa.
Hàng ngày, cô Cúc tới nơi này thắp hương và dọn cỏ vệ sinh. Cô kể: "Trước đây, những mộ quanh đây của các cụ không có người nhà chăm sóc cỏ mọc lấp hết cả. Cô phải dọn hết, dần thành thói quen. Cứ mỗi lần ra đây, cô lại dọn. Hàng xóm bảo cô hâm nhưng cô mặc kệ, mình chẳng lấy của ai cái gì nên mình cũng chẳng sợ".
Cô Cúc còn xây sẵn 2 ô an táng cho vợ chồng mình để sau này được nằm cạnh các con, để bảo vệ các con.
Cô Cúc bên cạnh hai ô an táng dành sẵn cho mình và chồng
Khi hỏi về công việc của cô Cúc, mẹ chồng cô nói: "Hàng xóm dị nghị nhiều lắm, có nhà còn bảo mất vệ sinh nhưng tôi thấy con dâu tôi làm đúng, tôi vẫn ủng hộ".
Những chiếc tiểu sành được cô Cúc xếp gọn gàng hai bên cổng để đợi ngày các thầy chùa sẽ làm lễ để đưa các cháu ra vườn Thánh chôn cất.
"Trước đây, mỗi lần cô đi nhặt thai nhi, có những thai nhi bị người đời vứt bỏ, tay chân ngực đều bị cắt rời ra thương lắm. Cô khóc suốt... Hàng xóm nhiều người nghĩ mình hâm, lời ra tiếng vào nói sao lại làm như thế. Cô chỉ bảo nhìn thấy các con như thế không chịu được, nhỡ các con bị vứt ngoài đường rồi bị chó tha thì sao..." - cô Cúc trầm tư.
Khi được hỏi về chồng, cô Cúc cười chia sẻ: "Chú đi làm ăn xa tận Thái Nguyên, rất ủng hộ việc cô làm. Có lần cô tìm thấy bào thai vẫn nguyên vẹn liền gọi luôn cho chú bảo: 'Có bầu 18 tuần rồi. Nuôi nhé!', chú cười bảo: 'Ừ, nuôi luôn nhà càng đông càng vui!'".
Không chỉ tìm nhặt xác thai nhi, cô Cúc còn từng cứu và nuôi hơn 6 phụ nữ đang mang bầu nhưng bị gia đình đuổi đi hoặc bắt phá bỏ đến tận lúc sắp vượt cạn.
Nói về nguyện vọng của mình, cô Cúc mong mọi người, đặc biệt là giới trẻ, hãy suy nghĩ cẩn trọng và sử dụng những biện pháp an toàn để những sinh mạng bé nhỏ vô tội không bị phá bỏ.