Những công nhân làm việc tại phân xưởng nghiền phế liệu của công ty TNHH Quảng Phong (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) đã phải nằm viện vì ngộ độc thiếc. Tuy nhiên, công ty buộc họ thôi việc do tự ý nghỉ. Những công nhân này đều được ký Hợp đồng kèm cặp công việc.
Ông Bùi Trọng Ngũ (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho biết: "Hai ngày nữa là tôi ký chính thức hợp đồng vào công ty. Tổ trưởng biết tôi có hiện tượng trúng độc đã tước thẻ của tôi và cho tôi nghỉ việc".
Qua trao đổi với các luật sư, không có loại hợp đồng nào mang tên Hợp đồng kèm cặp công việc. Tuy nhiên, theo các nội dung, điều khoản của hợp đồng thì đây là một hình thức của hợp đồng lao động. Cụ thể, tại Điều 7 của hợp đồng này quy định rất rõ những vấn đề mà hợp đồng này không quy định thì áp dụng quy định của Bộ Luật Lao động. Như vậy, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho công nhân trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp.
"Trong trường hợp người sử dụng lao động không tham gia đóng bảo hiểm xã hội thì doanh nghiệp phải trả toàn bộ chi phí liên quan đến điều trị cho người lao động. Luật cũng quy định trường hợp suy giảm sức khỏe tùy vào mức độ suy giảm mà doanh nghiệp phải có hỗ trợ cho người động trong những trường hợp cụ thể" - Luật sư Nguyễn Hữu Toại, Công ty Luật Hừng Đông, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết.
Như vậy, các công nhân cần phải đến các cơ sở y tế chuyên sâu để được giám định tổn hại về sức khỏe, tùy theo mức độ đơn vị sử dụng lao động mà ở đây là công ty TNHH Quảng Phong sẽ phải có trách nhiệm hỗ trợ và đền bù cho những công nhân này.
Nguy hại tình trạng nhiễm độc thiếc VTV.vn - Nạn nhân vụ nhiễm độc thiếc nghiêm trọng là 10 công nhân của công ty TNHH Quảng Phong, đóng trên địa bàn huyện Thanh Miện, Hải Dương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!