Hiện nay ở các khu công nghiệp và khu chế xuất, nhu cầu được gửi con ở các trường mầm non công là rất lớn. Tuy nhiên, việc gửi con ở trường công lập đôi lúc gặp nhiều bất tiện khi phải đưa đón đúng giờ, trong khi tính chất công việc của công nhân lao động thường xuyên làm thêm ngoài giờ. Các gia đình con em công nhân lại phải xoay xở tìm cách vừa có chỗ gửi con, vừa đảm bảo công việc không bị gián đoạn.
Chị Hương - công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội - vừa tan ca đêm đã kịp về nhà đón đứa lớn tới lớp và chuẩn bị đồ ăn cho con út. Thu nhập hai vợ chồng lương công nhân hơn chục triệu đồng một tháng, tiền ăn học của các con đã ngốn hơn một nửa. Anh chị đã chấp nhận mức phí cao hơn gửi con ở mầm non tư thục vì có như vậy bố mẹ mới có thể đón muộn khi tăng ca.
Hiện tại, quanh Khu công nghiệp Bắc Thăng Long có 5 trường mầm non công lập, 7 trường mầm non tư thục và 39 nhóm lớp nằm rải rác bốn xã của huyện Đông Anh.
Tổng số học sinh mầm non đi học quanh khu công nghiệp giảm so với các năm học trước. Lý do là nhiều công ty cắt giảm công nhân làm việc. Một số khác không chịu được áp lực tài chính nên phải gửi con ở quê cho ông bà.
Mặc dù vài năm qua, huyện Đông Anh đã xây thêm một số trường mầm non công lập mới quanh khu công nghiệp. Tuy nhiên, nó chỉ mới đáp ứng được hơn 50% tổng số học sinh ra lớp ở cấp mầm non, với gần 3,5 nghìn trẻ. Số còn lại xấp xỉ 2,8 nghìn học sinh đang theo học tại mầm non tư thục.
Cái khó của công nhân lao động là làm việc ca kíp, không thể đón sớm theo quy định của trường mầm non công lập trước 17h hàng ngày. Điều này khiến nhiều gia đình phải lựa chọn hoặc ngậm ngùi xa con hoặc cắn răng chọn trường tư thục với chi phí học gấn 3 - 4 lần so với môi trường công lập. Và lúc đó, nhiều bố mẹ sẽ phải co kéo để có thể đủ sống nơi thành thị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!