Công trình nhà văn hóa thôn tại Hà Nội nghi bị rút ruột?

Anh Tuấn-Thứ hai, ngày 01/07/2024 16:11 GMT+7

VTV.vn - Theo người dân, tại nhà văn hóa thôn Vĩnh Phệ, rất nhiều trang thiết bị, hạng mục tài sản mua sắm bị thiếu hụt so với biên bản kê khai, nghiệm thu thanh toán.

Nghi vấn rút ruột công trình dự án nhà văn hóa thôn

Trong 10 năm qua, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp trên cả nước và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, làm thay đổi diện mạo và tạo nên bước ngoặt trong phát triển kinh tế ở các vùng nông thôn.

Tuy nhiên, để thành quả của quá trình này được gia tăng và đi vào thực chất, việc triển khai như thế nào để thực hiện theo đúng chủ trương "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng" mới là điều cần được bàn đến.

Mới đây, qua đường dây nóng của chương trình Chuyển động 24h, nhóm phóng viên đã nhận được một số phản ánh của người dân về những bất cập trong công tác quản lý, giám sát tại một số dự án nông thôn mới thuộc địa bàn xã Chu Minh, huyện Ba Vì.

Với tổng mức đầu tư hơn 1,7 tỷ đồng, nhà văn hóa thôn Vĩnh Phệ, xã Chu Minh, được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2018, đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới cho địa phương.

Công trình nhà văn hóa thôn tại Hà Nội nghi bị rút ruột? - Ảnh 1.

Nhà văn hóa thôn Vĩnh Phệ, xã Chu Minh, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, niềm vui của người dân thôn Vĩnh Phệ lại chưa được trọn vẹn. Vì theo một người đàn ông, trên thực tế, tại nhà văn hóa có rất nhiều trang thiết bị, hạng mục tài sản mua sắm bị thiếu hụt so với biên bản kê khai, nghiệm thu thanh toán.

Ông Trần Quang Minh, thôn Vĩnh Phệ, xã Chu Minh, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, cho biết: "8 quạt treo tường không có, 1 máy in không có, 1 máy tính không có, 1 cây lọc nước không có, kệ tivi không có, 1 đôi loa siêu trầm không có… Cái gì có biểu hiện ở đây rồi".

Kết luận của Thanh tra huyện Ba Vì vào tháng 10/2023 cũng đã chỉ ra tại 2 dự án xây dựng nhà văn hóa thôn Vĩnh Phệ và nhà văn hóa thôn Chu Quyến 1 đều thiếu một số hạng mục tài sản mua sắm. Làm việc với phóng viên, lãnh đạo UBND xã Chu Minh cho rằng đây là lý do dẫn đến sự thiết hụt các tài sản trong nhà văn hóa ở 2 thôn.

"Thiết bị giao cho thôn, thôn chưa nhận, vì cửa nhà văn hóa chưa đảm bảo. Khi nào làm cửa chuẩn thì thôn mới nhận", ông Nguyễn Danh Quân, Chủ tịch UBND xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội, cho hay.

"Do trình độ, nhận thức và việc thành lập tổ giám sát chưa đảm bảo; chưa bám sát thường xuyên dẫn đến khi nghiệm thu nhà thầu chưa thực hiện thì vẫn nghiệm thu", ông Nguyễn Tiến Hưng, Chánh Thanh tra UBND huyện Ba Vì, thông tin.

Sự thiếu hụt các thiết bị có phải là ăn bớt hay không đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức. Còn các thiết bị đã được phía xã và nhà thầu bổ sung khắc phục sau đó. Tuy nhiên, cơ quan thanh tra xác định một số tài sản không đúng nhãn hiệu, chủng loại theo hợp đồng giữa chủ đầu tư và đơn vị nhận thầu. Thậm chí theo quan sát, một số thiết bị đã cũ, có dấu hiệu đã qua sử dụng. Vì vậy, dù đã khắc phục nhưng đến nay, những thiết bị, tài sản thiếu hụt vẫn chưa được đưa vào sử dụng.

"Khi chúng tôi ngồi, 8 quạt treo tường không có, không có bình lọc nước, khi muốn mở máy tính, máy in không có. Chúng tôi già rồi muốn xem tivi cũng không có, muốn mở ca nhạc loa không có", ông Trần Quang Minh, thôn Vĩnh Phệ, xã Chu Minh, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, nói.

Cũng vì làm đơn phản ánh, nên giờ đây, người đàn ông không nhận được nhiều sự chia sẻ, ủng hộ của những người nằm trong ban lãnh đạo của thôn.

Ai đúng, ai sai trong câu chuyện này, cho đến nay đã được cơ quan Thanh tra thuộc UBND huyện Ba Vì chỉ ra trong kết luận. Tuy nhiên, quy trình giám sát, thẩm định và nghiệm thu đối với một dự án đầu tư xây dựng nằm trong chương trình nông thôn mới tại địa phương sẽ được thực hiện như thế nào? Vì sao lại có chuyện trên hồ sơ nghiệm thu thanh toán thì mua sắm đầy đủ trang thiết bị, nhưng trên thực tế lại bị thiếu hụt như vậy?

Bất cập công tác giám sát dự án nông thôn mới

Theo Chánh thanh tra UBND huyện Ba Vì, nếu chiếu theo quy định pháp luật, bắt buộc với tất cả các dự án đầu tư xây dựng sẽ đều phải thuê hoặc ký hợp đồng với đơn vị giám sát có đủ tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, đối với 2 dự án xây dựng nhà văn hóa thôn Vĩnh Phệ và thôn Chu Quyến 1, vì có tổng vốn đầu tư nhỏ nên địa phương cấp xã là chủ đầu tư đã thực hiện thành lập Tổ giám sát (Ban Giám sát cộng đồng). Thành viên tham gia có lãnh đạo UBND xã Chu Minh và các cán bộ địa chính xây dựng của xã.

Ông Nguyễn Tiến Hưng, Chánh Thanh tra UBND huyện Ba Vì, cho biết: "Trong quá trình thực hiện dự án này, riêng với tổ giám sát và ban giám sát cộng đồng có hạn chế nhất định về năng lực chuyên môn; về sự bám sát không liên tục. Do vậy kiến nghị tất cả các công trình đầu tư dự án nên thuê đơn vị đủ tư cách chuyên môn sâu để tránh xảy ra sai sót".

Sau khi có kết luận của Thanh tra huyện Ba Vì về vụ việc này, phía địa phương đã tiến hành làm rõ trách nhiệm của một số cá nhân liên quan. Theo đó, Chủ tịch UBND xã Chu Minh cùng 2 cán bộ địa chính - xây dựng của xã đều bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách. 3 cán bộ khác lần lượt là công chức văn phòng, kế toán, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc xã bị kiểm điểm bằng việc "rút kinh nghiệm sâu sắc".

Làm rõ nghi vấn bớt xén khi thi công cống thủy lợi

Sai sót xảy ra là điều không mong muốn, vì trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của đông đảo người dân, lẽ ra họ sẽ được hưởng. Thấu hiểu điều đó nhất lúc này, không ai khác, chính là những người dân đang canh tác nông nghiệp trên địa bàn xã Chu Minh, huyện Ba Vì. Kỳ vọng vào dự án thi công đường giao thông, mương tưới tiêu nội đồng bao nhiêu, đến nay, họ lại thất vọng bấy nhiêu, vì hiệu quả trên thực tế không được như mong đợi.

Gần chục năm nay, kể từ khi triển khai dự án thi công đường giao thông, mương tưới tiêu nội đồng, những thuở ruộng tại thôn Vĩnh Phệ, xã Chu Minh, huyện Ba Vì như mang một diện mạo mới. Theo đánh giá của lãnh đạo xã Chu Minh, nhờ vậy, việc đi lại ra đồng của người dân cũng như tiêu thoát nước được thuận lợi và hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Danh Quân, Chủ tịch UBND xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội, cho hay: "Hợp tác xã đánh giá tiêu thoát úng tốt, không ngập úng. Trước kia có một số vị trí ngập úng, hiện cơ bản là tốt"

"Chả biết các ông đầu tư cứng hóa kênh mương kiểu gì. Ngày xưa không đầu tư thì chúng tôi vẫn chảy nước. Bây giờ lắp cống kiểu gì không hiểu, lắp cống quá bé hoặc là không lắp bảo là lắp rồi, nhưng không tiêu được nước", chị Phùng Thị Thắng, thôn Vĩnh Phệ, xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội, chia sẻ.

Ông Trần Viết Thái, thôn Vĩnh Phệ, xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội, nói: "Không hợp lý. Tràn cao như thế này mà vẫn ngập chìm. 3 - 4 ngày mưa ngập, hoa màu hỏng hết.

Những mâu thuẫn bỗng nảy sinh từ gói thầu thi công cống thủy lợi. Khi ông Trần Quang Minh (thôn Vĩnh Phệ, xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội) phát hiện sự thiếu hụt số lượng cống được thiết kế nghiệm thu trên hồ sơ với thực tế ở ngoài đồng.

Ông Trần Quang Minh, thôn Vĩnh Phệ, xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội, cho biết: "Trên hồ sơ không ghi rõ mà chỉ ghi thôn Vĩnh Phệ có 267 cái, thực tế chưa đầy 100 cái. Tôi đi đếm. Tất cả các đường ngang không có...".

Công trình nhà văn hóa thôn tại Hà Nội nghi bị rút ruột? - Ảnh 2.

Những bất thường trong quá trình thi công cống thủy lợi đã được người dân nhận ra.

Theo người dân địa phương, thiếu cống đã đành, nhiều vị trí cống thi công có dấu hiệu không đảm bảo việc tiêu thoát nước.

Trả lời phản ánh của người dân, tháng 4 năm 2022, UBND xã Chu Minh đã khẳng định việc thi công 2 gói thầu tại thôn Vĩnh Phệ và thôn Chu Quyến đều không đúng theo bản vẽ thiết kế đã được phê duyệt. Tuy nhiên điều lạ kỳ, phía xã lại không thể thực hiện được việc kiểm kê số lượng cống là đủ hay thiếu. Lý do đưa ra càng bất ngờ hơn bởi đơn vị thi công cũng không định vị được chính xác các vị trí đã lắp đặt cống là vị trí nào.

Trong kết luận giám định mới đây của Công an huyện Ba Vì cho thấy, khối lượng thi công thực tế ở 2 gói thầu có sự chênh lệch so với hồ sơ thiết kế, gây thiệt hại 175 triệu đồng.

Những bất thường trong quá trình thi công cống thủy lợi đã được người dân nhận ra. Tuy nhiên có bao nhiêu cống bị ăn bớt trong 2 gói thầu, đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức vì mọi chuyện chưa được làm sáng tỏ.

Trong cái khó ló cái khôn, để đảm bảo việc tiêu úng, tại vị trí này, chủ ruộng đành tự thiết kế cống thoát nước bằng ống nhựa.

Trong điều kiện cống thoát nước không đảm bảo, những người nông dân vẫn chấp nhận đánh bạc với trời để tiếp tục canh tác, nếu may thì sẽ được thu, còn rủi ro thì có thể mất trắng.

Xét cho cùng, thành quả ý nghĩa nhất quá trình nông thôn mới mang lại chính là làm thay đổi cuộc sống người dân. Để cho người dân được thụ hưởng thành quả. Tuy nhiên nếu xảy ra sai sót, ít nhiều mục tiêu của chương trình nông thôn mới sẽ không đạt được hiệu quả thực chất.

Liên quan đến vụ việc trên, hiện nay Công an huyện Ba Vì đang tiến hành xác minh để điều tra, làm rõ. Sau nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm, UBND huyện Ba Vì đã rút ra nhiều bài học để chấn chỉnh, tăng cường công tác giám sát trong quá trình triển khai các dự án nông thôn mới trên địa bàn.

Nhiều hạng mục của xã đạt chuẩn nông thôn mới chưa đạt chuẩn Nhiều hạng mục của xã đạt chuẩn nông thôn mới chưa đạt chuẩn

VTV.vn - Dù xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng nhiều người dân ở xã Châu Minh, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang, phản ánh, một số hạng mục của vẫn cần phải được cải thiện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước