Công ty Việt Á trục lợi từ dịch bệnh: Trách nhiệm các cơ quan quản lý ở đâu?

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 25/12/2021 12:05 GMT+7

VTV.vn - Việc doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng cơ chế, chính sách chống dịch, móc nối với một số cá nhân có thẩm quyền để kiếm tiền trên lưng người lao động là hành vi đáng lên án.

Phẫn nộ trước vụ án Công ty Việt Á thông đồng trục lợi từ dịch bệnh

Chương trình Sự kiện bình luận tuần này có chủ đề Ngăn chặn, lên án trục lợi từ dịch bệnh với sự tham gia của 2 khách mời là ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Khó có thể nói hết những cảm xúc khi nghe vụ việc Công ty Việt Á bởi sự phẫn nộ khi trong thời điểm dịch bệnh nặng nề, suốt gần 2 năm qua, chúng ta đã phải trải qua không ít mất mát từ người đến vật chất vì dịch bệnh thì những vụ việc trục lợi từ dịch bệnh vẫn diễn ra như vậy.

Trong dịch, cấp bách cần trang thiết bị xét nghiệm nhưng công ty có dấu hiệu cấu kết với các tổ chức, cá nhân liên quan, vi phạm nghiêm trọng quy định sản xuất, đấu thầu kit xét nghiệm COVID-19 nhằm trục lợi. Thủ tướng cũng đã yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, các địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, mở rộng vụ án tại Công ty Việt Á, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát.

Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, Phan Quốc Việt và các đối tượng là lãnh đạo chủ chốt Công ty Việt Á khai nhận: quá trình kinh doanh và tiêu thụ kit xét nghiệm COVID-19 do Công ty Việt Á sản xuất, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test COVID-19 của các địa phương trên cả nước, sản phẩm kit test COVID-19 thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.

Công ty Việt Á trục lợi từ dịch bệnh: Trách nhiệm các cơ quan quản lý ở đâu? - Ảnh 1.

Đối tượng Phan Quốc Việt

Sau đó, thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (công ty liên danh, công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do Công ty Việt Á đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất. Đồng thời, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, tăng doanh thu lợi nhuận và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị.

Đến nay, bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm COVID-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỉ đồng. Phan Quốc Việt đã chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến gần 30 tỉ đồng. Được biết nhiều địa phương trong cả nước cũng mua kit xét nghiệm của Công ty này.

Trách nhiệm các cơ quan quản lý ở đâu?

Việc tăng giá do khan hiếm hàng hóa trong những thời điểm cụ thể có thể vẫn xảy ra. Tuy nhiên, việc một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng cơ chế, chính sách trong phòng chống dịch, móc nối với một số cá nhân có thẩm quyền trong các cơ quan chức năng để kiếm tiền trên lưng người lao động là hành vi đáng lên án. Trong những vụ việc kéo dài này trách nhiệm của các nhà quản lý đến đâu.

Liên quan đến thông tin "WHO chấp thuận bộ kit test của Việt Á". Bộ Khoa học Công nghệ giải thích rằng bộ "nhầm lẫn" và đây là sơ suất.

"WHO mới chỉ "chấp thuận đưa kit test này vào quy trình đánh giá xem xét sử dụng", không phải "chấp thuận sử dụng".

Công ty Việt Á trục lợi từ dịch bệnh: Trách nhiệm các cơ quan quản lý ở đâu? - Ảnh 2.

Bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Á chưa được WHO chấp thuận sử dụng

Về trách nhiệm của Bộ Y tế trong vụ việc này, Đaị diện Bộ y tế khẳng định: Việc cấp phép sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 cho công ty Việt Á là đảm bảo đúng quy định và công khai minh bạch.

TS Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị, công trình y tế, Bộ Y tế cho biết: "Từ quý I năm 2020, khi chúng tôi nhận được hồ sơ đăng ký cấp phép của Công ty Việt Á cộng với xác nhận về độ đặc hiệu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và kết quả xác nhận cơ sở sản xuất của Công ty đã đạt tiêu chuẩn ISO 13485 và theo các quy định tại Nghị định 36/2016/NĐ-CP, Nghị định 169/2018/NĐ-CP, ngày 04/3/2020 Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng tạm thời cho 2 bộ sinh phẩm nói trên trong thời hạn 6 tháng".

Trong khi cấp 6 tháng đó, Bộ Y tế đã giao cho Viện vaccine và sinh phẩm Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đánh giá chất lượng và căn cứ vào báo cáo của hai đơn vị và của đơn vị sản xuất mới cấp phép 5 năm.

"Chúng tôi khẳng định là việc cấp phép đó đáp ứng được nhu cầu rất cấp bách trong thời điểm dịch phức tạp" – ông Nguyễn Minh Lợi nhấn mạnh.

Trước đó, Bộ Y tế đã công bố 12 sản phẩm hỗ trợ điều trị COVID-19, trong đó có sản phẩm còn chưa được phê duyệt như viên nang Kovir của Công ty CP Sao Thái Dương, khiến giá sản phẩm tăng gấp 4 lần. Sản phẩm không liên quan gì đến điều trị COVID-19 như Hoạt huyết Nhất Nhất cũng được đưa vào danh sách và Bộ Y tế đã phải thu hồi văn bản chỉ sau 2 ngày.

Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm: "Về việc mua sắm các sinh phẩm phục vụ cho xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 thì Bộ Y tế đã yêu cầu các doanh nghiệp công khai các danh mục cũng như niêm yết giá lên cổng thông tin của Bộ Y tế để các địa phương đơn vị tham khảo để từ đó xây dựng kế hoạch mua sắm phục vụ công tác phòng chống dịch".

Tuy nhiên dư luận vẫn đặt vấn đề tại sao cơ quan quản lý trực tiếp không tham gia hoặc có cơ chế kiểm tra sớm hơn để nhanh chóng phát hiện khiếm khuyết, lỗ hổng và ngăn chặn kịp thời....

Liệu có lợi ích nhóm, sự chống lưng của ai đó?

Trao đổi với phóng viên VTV, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng lời giải thích của Bộ Y tế chưa đủ sức thuyết phục: "Không phải là cứ ra một văn bản không đúng, làm ảnh hưởng tới xã hội thì chỉ cần câu xin lỗi. Tôi thấy không đủ và không có sức thuyết phục. Nếu ra văn bản hướng dẫn với tư cách cơ quan quản lý nhà nước thì phải chịu trách nhiệm trước văn bản đó. Nếu không có văn bản của Bộ Y tế giới thiệu Việt Á với lại các tỉnh thành, bộ ngành và văn bản của Bộ Khoa học Công nghệ giới thiệu về việc sản phẩm của Việt Á đã được Tổ chức Y tế Thế giới thừa nhận thì các tỉnh thành, bộ ngành làm gì có căn cứ để mà mua rộng rãi và để cho Việt Á thao túng đến như thế".

"Tôi thấy là có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, rất nhiều cơ quan chứ không phải chỉ có một. Đó là ngành y tế, ngành thẩm định giá, ngành tài chính, ngành khoa học công nghệ. Thẩm định về mặt khoa học và tính chính danh của sản phẩm đó làm cho các địa phương, các bộ, ngành và bệnh viện nghĩ rằng đã có "Thượng Phương Bảo Kiếm" là các văn bản đó. Có phải đó chính là cơ hội làm giàu cho CDC các tỉnh không? Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước ở đâu?" – ông Tiến nhấn mạnh.

Công ty Việt Á trục lợi từ dịch bệnh: Trách nhiệm các cơ quan quản lý ở đâu? - Ảnh 3.

Công văn của Bộ Y tế giới thiệu Kit test cho các địa phương

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: "Trong thời gian qua có quá nhiều vụ trục lợi trong ngành y tế. Khi được phản ánh, Bộ Y tế trả lời là làm đúng quy trình, đúng quy định. Câu trả lời của Bộ Y tế không có sự thuyết phục. Bộ Y tế ban hành một công văn về giá kit test là 470.000 đồng như "Thượng Phương Bảo Kiếm" cho phép CDC các tỉnh, các bệnh viện mua được giá đó hay không. Cơ sở nào Bộ Y tế ban hành văn bản đó và cho phép giá 470.000 đồng? Cơ quan quản lý giá có thống nhất như vậy hay chưa? Hội đồng thẩm định khoa học của Bộ Khoa học Công nghệ cho rằng đạt được tiêu chuẩn như WTO hay không? Đây là một việc làm khuất tất trong thời gian qua. Những văn bản của Bộ Y tế hoặc Bộ Khoa học Công nghệ nêu ra là để chữa cháy, trấn an dư luận cho rằng là mình làm tốt, làm đúng nhưng thực tế tôi nhận xét là hoàn toàn không đúng".

"Liệu bên trong có lợi ích nhóm, có sự chống lưng của ai đó để họ nâng giá bộ kit test và thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật?" – ông Hòa đặt câu hỏi.

Bên cạnh những đóng góp to lớn, vô tư của nhiều tổ chức, cá nhân cho công tác phòng chống dịch thì vẫn còn những doanh nghiệp, cá nhân làm giàu trên sự đau khổ của đồng bào mình. Có thời gian, người tiêu dùng phải mua khẩu trang, nước sát khuẩn với giá cắt cổ. Một số sản phẩm thiết yếu như thịt, trứng, rau xanh... cũng bị thổi giá để móc túi người tiêu dùng.

Thời gian qua, nhiều đối tượng xấu lợi dụng dịch COVID-19 nhằm trục lợi bất chính thông qua việc nhập lậu, làm giả thuốc, vật tư y tế. Ðây là những hành vi vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong dư luận xã hội và cần phải được xử lý nghiêm.

Nhìn con số 4000 tỷ đồng từ vụ việc Việt Á càng thấy xót xa, phẫn nộ cho những hành vi đang ăn vào xương tủy của người dân. Trục lợi từ nỗi sợ hãi, sự đau thương càng đáng lên án và cần xử lý thật nghiêm. Quan trọng hơn là làm thế nào để doanh nghiệp, cá nhân không vì lợi nhuận mà bán rẻ lương tâm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, không trục lợi trên sự đau khổ của đồng bào mình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước