Cứ 7 trẻ vị thành niên có 1 trường hợp rối loạn tâm thần

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 17/11/2021 06:02 GMT+7

VTV.vn - Theo thống kê, cứ 7 em thì có hơn 1 trẻ vị thành niên từ 10-19 tuổi trên toàn cầu đã bị chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần.

Vì thế chăm sóc sức khỏe tâm thần vì sự phát triển của các bạn trẻ, thanh thiếu niên, những thế hệ tương lai của đất nước cũng là nội dung chính của Lễ kỷ niệm Ngày Trẻ em Thế giới 2021 đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF đồng tổ chức.

Những câu chuyện về sức khỏe tinh thần của chính mình được các em nhỏ chia sẻ trong sự kiện.

Mỗi người đều cần có một cơ thể khỏe mạnh cả tâm thần và thể chất. Tuy nhiên các vấn đề về sức khỏe tâm thần vẫn còn bị kỳ thị và hiểu lầm, do đó đã tạo ra một "đại dịch" thầm lặng.

Nhiều gia đình cho rằng con mình lười biếng, kém cỏi và đổ lỗi cho con khi trẻ gặp các vấn đề tâm lý. Sự thiếu hiểu biết là những yếu tố cơ bản ngăn cản các em nhận được những hỗ trợ cần thiết.

Mỗi năm có gần 46.000 trẻ vị thành niên tử vong do tự tử - đây là một trong năm nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm tuổi này.

Đặc biệt, đại dịch đang tiếp tục tác động nặng nề lên sức khỏe tâm thần của trẻ. Các em bị gián đoạn việc học tập; khó khăn hơn trong cách tiếp cận nguồn dinh dưỡng, điều kiện để chăm sóc sức khỏe nói chung. Các hoạt động vui chơi, giải trí, giao tiếp bạn bè cũng bị hạn chế; vấn đề liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em cũng có xu hướng gia tăng. Không những vậy, tình trạng trẻ em mắc COVID-19 phải cách ly, điều trị xa bố mẹ, người thân, mất người thân vì dịch COVID-19 cũng đe dọa trực tiếp tới sức khỏe tinh thần của trẻ em. Hơn 2.000 trẻ đã không còn cha hoặc mẹ sau dịch COVID-19.

Một trong những thách thức mà 2 năm nay các em học sinh và toàn ngành giáo dục phải đối mặt đó là ảnh hưởng về tâm lý đối với những đối tượng học sinh phải nghỉ ở nhà kéo dài do dịch bệnh. Nếu chỉ hạn chế tiếp xúc trong 1 tháng thì mọi việc có vẻ chưa có gì đáng lo. Nhưng bây giờ, các học sinh ở Hà Nội và một số địa phương vùng tâm dịch khác đã ở nhà gần 7 tháng. Việc chỉ loanh quanh học và sinh hoạt trong không gian chật hẹp khiến nhiều em gặp phải các vấn đề về tâm lý nặng nhẹ khác nhau.

Những vấn đề tâm lý khi học trực tuyến kéo dài

Cửa nhà sẽ đóng kín khi bố mẹ đi làm hết. Trong căn phòng chỉ vài mét vuông, hai chị em Xuân Anh và Bách học bài. Hết học trực tuyến thì quay ra, chị dạy em. Nhà chật, phòng riêng, góc riêng không có. Cô chị lớp 11 và cậu em lớp 6 có rất nhiều nhu cầu cá nhân nhưng không dễ chia sẻ. Lâu dần, những thứ không được giải tóa tích tụ thành khó chịu.

Nguyễn Anh Gia Bảo (học sinh lớp 7A9, THCS Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) thì là con một, chẳng có anh chị em mà chơi cùng. Cậu học sinh lớp 7 từ sáng đến tối chỉ loanh quanh một mình. Lúc còn được học trực tiếp ở trường, được ra ngoài thường xuyên, em có nhiều hoạt động thể chất. Còn bây giờ, sau thời gian dài phải ở nhà chống dịch, Bảo đã tăng cân và tăng cả những cảm xúc tiêu cực.

Để giảm bớt mệt mỏi cho con, mẹ Bảo dạy em cách thiền, cậu bé hợp tác tích cực. Nhưng thiền chẳng thể thay thế được rất nhiều nhu cầu khác của một cậu bé đang tuổi lớn, cần được vận động, được giao tiếp, được học hỏi thực tế. Cũng như 2 chị em Bách, sau song cửa sắt này có nhiều những nhu cầu đang bị khóa chặt.

Chủ tịch nước: Chăm sóc sức khỏe trẻ em là nhiệm vụ rất quan trọng Chủ tịch nước: Chăm sóc sức khỏe trẻ em là nhiệm vụ rất quan trọng

VTV.vn - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định như vậy khi tới thăm BV Nhi đồng TP để động viên các bác sĩ và nhân viên y tế ở tâm dịch TP Hồ Chí Minh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước