Bà Hường chơi đàn trên “ngôi nhà” mà sau này bà sẽ yên nghỉ để làm MV ca nhạc.
Sáu giờ sáng, bà Lê Thị Bích Hường (77 tuổi, ở Hà Nội) dậy vệ sinh cá nhân, gấp gọn những bộ đồ, chăn ga vào hai vali để sau ô tô. Xong xuôi, bà mặc một bộ áo dài thật đẹp, một mình lái xe đến nghĩa trang lớn tại Hòa Bình để chăm chút cho "ngôi nhà" mà sau này bà sẽ yên nghỉ.
Sở dĩ bà Hường mang nhiều đồ vì mỗi khi di chuyển ra ngoài Hà Nội, bà sẽ ở lại dài ngày, thường sử dụng đồ cá nhân của mình.
Hơn một giờ lái xe, hành trình di chuyển của bà Hường đã tới đích. Bước xuống xe, người phụ nữ này chỉnh lại quần áo gọn gàng, trang điểm nhẹ nhàng cho khuôn mặt tươi tắn. Bởi theo bà "phụ nữ lúc nào cũng phải đẹp", đẹp từ trong nhà cho đến ngoài ngõ, thâm chí, ngay cả trong giấc ngủ cũng không được xấu. Do vậy, dù ở ngoài tuổi thất thập nhưng bà Hường vẫn trẻ trung.
Không muốn phụ thuộc vào con cái nên bà Hường tự làm mọi thứ, bà có bằng lái xe ô tô từ năm 2001. Thời con trẻ, bà một mình lái xe di chuyển đến nhiều tỉnh thành như Thanh Hóa, Lạng Sơn, Nghệ An…nhưng đến U70, bà chỉ lái xe quanh quẩn Hà Nội rồi lại lên Hòa Bình.
: Dù ở ngoài tuổi thất thập nhưng bà Hường vẫn trẻ trung, hay cười.
Nói về việc tự xây phần mộ cho bản thân mặc dù vẫn đang khỏe mạnh, bà nói mua đất, chuẩn bị nơi an nghỉ cho mình từ năm 2010. 10 năm sau, bà mới bắt đầu xây dựng, đến nay, cơ bản các hạng mục cho "ngôi nhà" đã hoàn thành. Phía trước, bà đặt tấm bia khắc cùng bài thơ "Cõi tiên" do chính bà sáng tác khi lần đầu tiên đặt chân đến đây.
Nhiều người thắc mắc sao đang khỏe mạnh lại đi xây mộ cho chính mình, bà chỉ cười bảo "chuẩn bị trước con cháu đỡ khổ".
"Lúc bố tôi mất năm 1992, gia đình bấy giờ mới lo chỗ an nghỉ cho ông, mất rất nhiều thời gian. Từ đó, tôi đã có suy nghĩ chuẩn bị trước chỗ an nghỉ cho mình", bà Hường nói.
Ở tuổi 44, bà đã đi rất nhiều nơi để tìm mua đất làm khuôn viên. Sau cùng, bà đã chọn Hòa Bình là nơi an nghỉ cuối cùng khi qua đời. Với nhiều người cao tuổi họ luôn sợ khi nói về cái chết nhưng với bà Hường thì khác.
"Tôi cho rằng, sống trên cõi trần chỉ là một nhiệm kỳ công tác. Sau khi qua đời có nghĩa là nhiệm kỳ đó đã kết thúc, chuyển sang một nhiệm kỳ công tác mới ở một nơi mới mà thôi, nghĩ như vậy mình sẽ cảm thấy thanh thản và thoải mái", bà Hường nói.
Vốn có niềm đam mê đàn hát từ thuở nhỏ, bà Hường từng có ý định đi theo nghệ thuật. Nhưng vì điều kiện bấy giờ khó khăn, bà đành gác lại đam mê. Sau này lớn lên, lập gia đình, sinh được 3 người con, cuộc sống ổn định hơn nên bà quyết định đi học đàn.
"67 tuổi, tôi mới bắt đầu học đánh đàn piano. Tuổi già học đàn rất khó, tay cứng, mắt mờ, tôi phải dùng đến cả kính lúp để nhìn vào bản nhạc", bà kể.
Tuổi già học đàn rất khó, tay cứng, mắt mờ nhưng bà Hường vẫn chăm chỉ tập luyện.
Thế nhưng bằng sự quyết tâm, sau 10 năm bàn tay bà đã đánh được những nốt nhạc uyển chuyển không kém gì những nghệ sĩ. Học đàn không chỉ để thỏa mãn đam mê, mà bà còn muốn tự tay đánh một bản nhạc, dựng thành MV để trình chiếu trong lễ tang của mình.
"Bản nhạc này tôi đã chuẩn bị 10 năm rồi. Tôi đánh đàn trong khuôn viên mà sau này mình sẽ an nghỉ", bà Hường nói và cho biết, bản thân muốn lưu giữ những hình ảnh đẹp, khi bà mất đi, bản nhạc cất lên sẽ xua tan bầu không khí u buồn.
Người phụ nữ này còn căn dặn các con: "Ngày mẹ mất không được bật nhạc hiếu, đừng mặc áo tang. Con trai mặc com lê, con gái mặc áo dài và không được khóc, không được nhận vòng hoa".
Bà cho rằng, trong cuộc sống hằng ngày, khi cha mẹ thấy con khóc, lòng đau quặn thắt, luôn phải dỗ dành, mong con cười. Đến khi mất, các con khóc "tôi thương sót làm sao rời đi được".
Không chỉ học đàn, ở tuổi 77, bà Hường còn quyết định đi học bơi để rèn luyện sức khoẻ, giúp cơ thể dẻo dai hơn. Bà thuê hẳn huấn luyện viên bơi lội về dạy mình.
Sau 14 ngày học bơi, bà đã bơi được 20 mét, chân không còn thấy đau nhức, căn bệnh thoát vị đĩa đệm cũng được cải thiện rất nhiều.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!