Ngay cả những người lâu năm sống ở đây cũng chưa bao giờ chứng khiến sạt lở ghê gớm như thế này. Hiện tượng đất bị trượt, sạt lở xảy ra khoảng 15h hôm qua (12/11).
Đoạn sạt lở chạy dài phía sau nhà dân khoảng 50m, tạo thành một lòng chảo, chôn vùi rất nhiều đồ đạc. Ảnh: Ngọc Dũng - TTXVN
Ít nhất 7 ngôi nhà được xác định là nằm trong khu vực sạt lở. Trong đó có 4 khách sạn có khách đang lưu trú.
May mắn, sạt lở không gây thiệt hại về người nhưng khiến cho cuộc sống của các gia đình cũng như những người lưu trú khách sạn bị đảo lộn.
Vị trí sạt lở ngay đầu đường đèo Mimosa (phường 10, TP Đà Lạt), thuộc taluy âm. Ảnh: Ngọc Dũng - TTXVN
Phía sau những khách sạn này giờ là hố sâu. Vị trí này trước đó có nhà kho của khách sạn nhưng giờ là đống đổ nát. Mãi đến chiều tối, hiện tượng sạt lở vẫn chưa chấm dứt. Phần đất nền mà phía trên là các khách sạn, dòng nước ngầm vẫn âm ỉ chảy, đất vẫn tiếp tục sạt lở.
Giữa khó khăn khi phải phòng chống COVID-19, lúc này, chính quyền địa phương lại phải ứng phó trước tình trạng sạt lở. Việc di dời được thực hiện khẩn cấp bởi nếu chậm trễ, khó ai có thể lường hết hiểm họa.
Lực lượng đã được chính quyền địa phương tăng cường, một mặt phong tỏa khu vực sạt lở, một mặt liên tục cảnh báo, không để bất cứ ai vào khu vực nguy hiểm.
Vụ sạt lở này tiếp sau những lần sạt lở trong thời gian qua ở Đà Lạt, càng khiến nhiều người thêm lo ngại. Đà Lạt là phố núi, các khu dân cư tập trung trên đồi, một khi xảy ra sạt lở, mức độ thường rất nghiêm trọng và việc xử lý cũng hết sức khó khăn, mất nhiều thời gian và tốn kém. Điều đáng nói, càng về sau, ở Đà Lạt, sạt lở xảy ra nhiều hơn và mức độ cũng nghiêm trọng hơn, khiến nhiều người đặt câu hỏi: đằng sau hiện tượng sạt lở có phải do thiên tai hay còn tác nhân nào khác trong quá trình phát triển đô thị?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!