Đại tướng Nguyễn Quyết khi tròn 100 tuổi. Ảnh: Báo QĐND
Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, đồng chí đã từ trần vào hồi 21 giờ 09 phút, ngày 23 tháng 12 năm 2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng, Đại tướng Nguyễn Quyết là một người cán bộ, đảng viên, nhất là trên cương vị chủ trì cơ quan hay đơn vị, luôn tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, luôn đặt lợi ích chung của Đảng, dân tộc và quân đội lên trên hết trước hết.
Nhận thức được nỗi đau mất nước khi tuổi đời còn rất trẻ
Đại tướng Nguyễn Quyết (tên thật là Nguyễn Tiến Văn) sinh năm 1922 tại xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Từ nhỏ, ông đã bộc lộ tư chất thông minh, chăm chỉ và lòng yêu nước sâu sắc. Năm 15 tuổi, ông lên Hà Nội làm việc tại Báo Đuốc Tuệ. Đúng thời gian này, cuộc vận động dân chủ do Đảng Cộng sản Đông Dương phát triển mạnh, người thanh niên trẻ Nguyễn Quyết khi đó đã nhanh chóng bị lôi cuốn vào các hoạt động của phong trào này, mở ra cơ hội tiếp xúc với nhiều tầng lớp xã hội và nhận thức rõ hơn về tình cảnh đất nước.
Kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1938, Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại khu vực Nhà Đấu xảo Hà Nội với sự tham gia của hàng vạn người nhưng sau đó bị thực dân Pháp đàn áp. Ông buộc phải trở về quê nhà do bị mật thám theo dõi. Cũng chính lần trở về này, ông đã gặp đồng chí Nguyễn Văn Tích (tức Tạo) - một đảng viên cộng sản là cán bộ Liên tỉnh B (gồm các tỉnh: Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Kiến An...) và được giao nhiệm vụ vận động quần chúng xây dựng phong trào phản đế ở huyện Kim Động. Chỉ một thời gian ngắn, ông đã vận động được rất nhiều người tham gia phong trào. Chính vì những đóng góp tích cực của mình, năm 1940 khi vừa tròn 18 tuổi, ông đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và phân công phụ trách Bí thư Thanh niên phản đế huyện Kim Động. Kể từ đây ông chính thức trở thành một chiến sĩ cộng sản suốt đời phụng sự sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Năm 1943, khi mới được 3 năm tuổi Đảng, ông được chỉ định vào Ban Cán sự Đảng Hà Nội, đóng vai trò quan trọng trong việc vận động quần chúng và xây dựng lực lượng cách mạng. Ông cùng các đồng chí của mình xông xáo nhưng thận trọng xây dựng được nhiều cơ sở mới ở nội, ngoại thành Hà Nội, tích cực làm công tác phát triển đảng.
Mùa hè năm 1944, đồng chí Nguyễn Quyết được Trung ương Đảng triệu tập tham dự một lớp học quân sự diễn ra gần một tháng tại tỉnh Thái Nguyên để chuẩn bị cho khởi nghĩa. Khi trở lại Hà Nội, ông được Thành ủy phân công phụ trách công tác quân sự. Nhưng chỉ vài tháng sau, đồng chí lại được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Hà Nội thay đồng chí Lê Quang Đạo do bị lộ nên Trung ương điều đi nhận nhiệm vụ khác.
Quyết định lịch sử: Hà Nội tiến hành khởi nghĩa vào ngày 19/8/1945
Ảnh 1: Đồng chí Nguyễn Quyết trước giờ lên đường Nam tiến, cuối năm 1945. Ảnh 2: Đồng chí Nguyễn Quyết (ngồi ngoài cùng bên trái) cùng cán bộ Nam tiến, năm 1946. Ảnh 3: Đồng chí Nguyễn Quyết (bên trái), Chính trị viên và Đàm Quang Trung, Chỉ huy trưởng mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng (1947-1948). Ảnh 4: Hội nghị chiến sĩ thi đua Phòng Chính trị Liên khu 5 năm 1953-1954 (từ năm 1953 đến năm 1954 đồng chí Nguyễn Quyết là Trưởng phòng Chính trị Liên khu 5). Ảnh: Báo QĐND
Đêm 17/8/1945, nhận thấy thái độ án binh bất động, cố thủ trong doanh trại của Nhật, Thành ủy Hà Nội đã có cuộc họp khẩn cấp dưới sự chủ trì của Bí thư Nguyễn Quyết đề ra một quyết định lịch sử: Hà Nội tiến hành khởi nghĩa vào ngày 19/8/1945, đánh đổ chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng. Hà Nội khởi nghĩa bằng lực lượng tại chỗ. Không chờ Quân giải phóng từ chiến khu về.
Về quyết định trên, sau này ông nhiều lần tâm sự, đó là một quyết định táo bạo nhưng đã được cân nhắc kỹ. Ông từng nói: "Khi đó tôi biết chắc chắn rằng nếu không giành được thắng lợi thì người đứng đầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Nhưng tôi tin, đây là một quyết định sáng suốt của cả một tập thể những người đã gắn bó, sống chết với phong trào thành phố trong nhiều năm, những người nắm rõ tình hình địch - ta diễn biến qua từng ngày hơn ai hết, trên sự phân tích tình hình cụ thể, chứ không phải là một quyết định nóng vội chủ quan bởi tình cảm khát khao được giải phóng chi phối. Hơn nữa, nếu để tuột thời cơ ngàn năm có một đó, để nó trôi qua rồi mới tiến hành khởi nghĩa, hay cứ kiên quyết đánh Nhật thì chưa biết hậu quả sẽ ra sao khi quân Đồng minh đến Hà Nội".
Thực tế đã chứng minh Hà Nội khởi nghĩa theo đúng kế hoạch vào ngày 19/8/1945 và giành thắng lợi rực rỡ, trọn vẹn, không đổ máu, là sự cổ vũ lớn lao đối với các địa phương chưa khởi nghĩa trong toàn quốc…
Những trận đánh vang dội trong 2 cuộc kháng chiến
Từ năm 1946 đến năm 1950, với cương vị là Chính trị viên, rồi Chính ủy Trung đoàn 108, phụ trách mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng, chiến trường chính của Liên khu 5, ông đã sử dụng lực lượng chủ lực phối hợp chặt chẽ với Tỉnh ủy, lãnh đạo quân và dân chiến đấu dũng cảm, lập chiến công oanh liệt ngay từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Ta kìm chân địch, giữ vững một nửa tỉnh Quảng Nam nối liền 3 tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên thành vùng tự do rộng lớn liên hoàn, làm hậu phương vững chắc cho kháng chiến lâu dài của Liên khu 5 và miền Nam Đông Dương. Thắng lợi của các trận đánh như: Đèo Hải Vân, Gò Cả, diệt đồn Núi Lở, cứ điểm Thu Bồn đến những trận đánh vang dội ở tại Hòa Vang, Duy Xuyên, Đại Lộc... dưới sự chỉ huy của ông và đồng đội đã khiến kẻ thù khiếp sợ.
Trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954, đồng chí Nguyễn Quyết là một trong bộ ba chỉ huy chiến dịch, được phân công trực tiếp chống chiến dịch Át-lăng, chiến dịch lớn chưa từng có của Pháp nhằm “xóa” vùng tự do Liên khu 5 để vơ vét nhân tài, vật lực và làm bàn đạp đánh chiếm chiến trường chính Bắc Bộ. Dưới sự lãnh đạo của Liên khu ủy 5, các tỉnh vùng tự do vừa chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, vừa chiến đấu quyết liệt, vừa huy động cao nhất sức người, sức của phục vụ kịp thời cho mặt trận chính Tây Nguyên, các tỉnh vùng bị chiếm của Liên khu 5 và cả Đông Miên tới Hạ Lào.
Đồng chí Nguyễn Quyết (thứ 4 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn 320B (390) sau thắng lợi năm 1972. Ảnh: Báo QĐND
Sau Hiệp định Genève, ông đảm nhận chức vụ Chính ủy Quân khu Tả Ngạn. Dưới sự lãnh đạo của ông, Quân khu đã xây dựng nền quốc phòng toàn dân, kết hợp phát triển kinh tế với củng cố an ninh quốc phòng. Ông đã phát động phong trào "Làm giàu, đánh thắng", góp phần cải thiện đời sống bộ đội và nhân dân địa phương.
Trong kháng chiến chống Mỹ, ông chỉ đạo Quân khu Tả Ngạn chi viện lớn cho chiến trường miền Nam, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, đảm bảo tuyến hậu cần thông suốt. Ông cũng tham gia lãnh đạo các chiến dịch phòng thủ quan trọng, đặc biệt là trong chiến dịch 12 ngày đêm chống B-52 tại Hà Nội và Hải Phòng năm 1972.
Di sản to lớn trong xây dựng và bảo vệ đất nước
Sau ngày thống nhất đất nước, ông khi đó tiếp tục giữ chức vụ Tư lệnh Quân khu 3, sau đó là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông đã lãnh đạo thực hiện quá trình tái cơ cấu quân đội, tinh giản biên chế, và xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ.
Dưới sự chỉ đạo của ông, quân đội đã thực hiện thành công nhiệm vụ rút quân tình nguyện Việt Nam khỏi Campuchia, củng cố biên giới phía Bắc, và xây dựng chiến lược quốc phòng toàn diện. Ông cũng đặc biệt quan tâm đến đời sống cán bộ, chiến sĩ và hậu phương quân đội, giải quyết chính sách nhà ở và phúc lợi xã hội.
Đồng chí Nguyễn Quyết, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (ngoài cùng bên phải) trong một buổi giao lưu quốc tế. Ảnh: Báo QĐND
Năm 1986, Thượng tướng Nguyễn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 3, được Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng điều về nhận nhiệm vụ mới, là Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trong bối cảnh khá đặc biệt, trong lúc Nghị quyết số 27 của Bộ Chính trị bắt đầu được thực hiện nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị.
Đại tướng Nguyễn Quyết trong lần ra thăm và làm việc tại Quần đảo Trường Sa, tháng 5-1989. Ảnh: Báo QĐND
Ông được chỉ định làm Trưởng đoàn đại biểu Đảng bộ Quân đội đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Đoàn đại biểu Đảng bộ Quân đội do ông làm trưởng đoàn đã có nhiều ý kiến xác đáng, thuyết phục với Đại hội Đảng toàn quốc về đường lối chung cũng như vấn đề quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới trong dự thảo đổi mới tư duy, góp phần làm nên thắng lợi của Đại hội lần thứ VI, đại hội khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đại tướng Nguyễn Quyết đã để lại di sản to lớn trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Ông được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, cùng nhiều danh hiệu vinh dự khác.
Lễ trao Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng tặng Đại tướng Nguyễn Quyết. Ảnh: Báo QĐND
Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Quyết là biểu tượng sáng ngời của tinh thần yêu nước, sự kiên trung, và tài năng lãnh đạo, là tấm gương mẫu mực cho các thế hệ noi theo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!