Sốt xuất huyết đang lan rộng với số ca mắc tăng đột biến và tăng sớm so với mọi năm trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Đặc biệt, các ổ dịch thường tập trung ở địa bàn nông thôn.
Nguyên do bởi khu vực nông thôn thường ẩm thấp, điều kiện thuận lợi để muỗi phát triển. Thêm vào đó, nhiều người dân còn chủ quan chưa phòng bệnh tốt. Đây cũng là những khó khăn mà chính quyền địa phương và ngành y tế đang phải khắc phục để phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả hơn.
Đoàn kiểm tra của Sở Y tế kiểm tra lăng quăng trong dụng cụ chứa nước tại một hộ dân trên địa bàn huyện Lắk. Ảnh: Báo Đắk Lắk
Nhà chị H' EL DU và nhiều người dân khác xung quanh ít có thói quen đậy nắp các vật chứa nước, để nước đọng trong chum, vại. Khi được lực lượng y tế huyện đến tuyên truyền nhắc nhở, bà con đã hiểu là phải nâng cao ý thức phòng chống sốt xuất huyết.
Đến nay, Đắk Lắk đã có hơn 7.000 trường hợp mắc bệnh, 9 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Giữa lúc số bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết liên tục tăng, các cơ sở y tế từ tuyến huyện đến tỉnh lại lo thiếu thuốc, vật tư y tế phục vụ điều trị bệnh nhân.
Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh minh họa: Báo Đắk Lắk
Trước tình hình đó, Sở Y tế đã có kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành giá trần cho tất cả các mặt hàng thuốc, vật tư y tế, để đơn vị sẽ tổ chức đấu thầu thuận lợi, nhanh chóng hơn nhằm sớm mua sắm đầy đủ thuốc, vật tư, đáp ứng cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã cấp kinh phí phục vụ riêng cho việc phòng chống sốt xuất huyết tại 15/15 huyện, thị, thành phố.
Phòng chống sốt xuất huyết không phải nhiệm vụ của riêng ngành y tế, người dân cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, nếu không, sốt xuất huyết sẽ khó có thể kiểm soát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!