Lực lượng công an tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em (Ảnh: CA Đắk Nông)
Theo số liệu của Công an tỉnh Đắk Nông, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong đó tại huyện Đắk Glong xảy ra 5 vụ với 6 đối tượng xâm hại tình dục trẻ em. Các vụ án xâm hại tình dục trẻ em trong thời gian vừa qua cho thấy nạn nhân và đối tượng đều là những người thân thiết, quen biết, hàng xóm của nhau và xảy ra ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, nghiêm trọng là trường hợp đối tượng N.V.T. (SN 1987), trú tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong đã có hành vi nhiều lần xâm hại tình dục con đẻ của mình là cháu N.T.A. (SN 2009) trong nhiều năm liền. Có trường hợp quen biết qua mạng xã hội rồi yêu nhau dẫn đến quan hệ tình dục với nhau. Cũng có trường hợp đối tượng và bị hại đều dưới 16 tuổi và là bạn bè quen biết rồi rủ nhau đi nhậu, ép bạn gái uống rượu say rồi thực hiện hành vi hiếp dâm.
Đối tượng T. tại cơ quan điều tra (ảnh CA Đắk Nông)
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ việc xâm hại trẻ em. Trong đó có cả nguyên nhân là do các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ em thiếu sự quan tâm, chăm sóc, chia sẻ về tâm tư, tình cảm mà chỉ chăm lo cho các em về mặt vật chất. Hoặc gia đình chủ quan trong việc quản lý. Một số gia đình không được hạnh phúc cũng ảnh hưởng phần nào đến tâm lý các em, khiến cho các em dễ bị dụ dỗ, sa ngã và bị lợi dụng xâm hại.
Mặt khác, chính quyền cơ sở chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi có nguy cơ xâm hại trẻ em. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa được quan tâm đúng mức...
Các cơ quan chức năng làm việc với gia đình bị hại trong vụ án xâm hại tình dục trẻ em ở huyện Đắk Glong (Ảnh: CA Đắk Nông)
Cần sự vào cuộc quyết liệt
Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em, Công an tỉnh Đắk Nông cho rằng cần tiếp tục phát huy vai trò của nhà trường và mỗi gia đình trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi có nguy cơ xâm hại trẻ em. Trong thời gian tới, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an, đòi hỏi phải có sự chung tay, vào cuộc của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường… Bởi ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm xâm hại tình dục trẻ em là quá trình lâu dài, gắn liền với nhận thức của cộng đồng xã hội và vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, các đoàn thể chính trị xã hội tại cơ sở.
Theo đó, cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp từng đối tượng, nhằm phát huy hiệu quả, chất lượng. Chú trọng quan tâm tại các khu vực trọng điểm, các trường học, các xã, thôn, buôn, bản vùng sâu, vùng xa và các đối tượng dễ bị lợi dụng, xâm hại…
Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật toàn dân, từ đó làm cho người dân nâng cao hiểu biết về chính sách pháp luật và phương thức, thủ đoạn của các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em để cảnh giác và tự phòng ngừa; giáo dục kỹ năng bảo vệ cho trẻ em; hướng dẫn trẻ em tự phòng tránh các hành vi bị người khác xâm hại…
Trong từng gia đình, mỗi bậc phụ huynh cần đề cao trách nhiệm, tình thương yêu trong việc giám sát, quản lý, nắm bắt hành vi, sự thay đổi về tâm, sinh lý của con cái. Cha mẹ và những người thân trong gia đình phải kịp thời có biện pháp quản lý, giáo dục, trang bị kiến thức cần thiết để con em có khả năng nhận thức và tự phòng vệ trước những mối nguy hiểm. Thường xuyên nhắc nhở để các em không chủ quan, lơ là trong quan hệ, tiếp xúc với mọi người, ngay cả những người thân thuộc, quen biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!