Đảm bảo an ninh trật tự cơ sở và quản lý dân cư

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 30/11/2023 01:42 GMT+7

VTV.vn - Nhiều câu hỏi về chủ đề trên đã được Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an phân tích, làm rõ.

Quốc hội vừa thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Căn cước. Đối với Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được xây dựng từ năm 2019, nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đồng thời bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, vừa bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp. Còn với đối với Luật Căn cước, Luật mở rộng đối tượng cấp căn cước, bổ sung thêm thông tin.

Lực lượng nào tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở là gì? Lực lượng này sẽ tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở những nơi nào? Nhiệm vụ và quyền hạn của họ ra sao? Còn đối với Luật Căn cước, tại sao lại đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước? Thẻ căn cước có gì mới so với Thẻ căn cước công dân? Người dân có phải đổi sang thẻ căn cước và điều chỉnh thông tin? Rất nhiều câu hỏi mà người dân quan tâm đặt ra.

Hiện toàn quốc có khoảng 300 nghìn người thuộc lực lượng an ninh trật tự cơ sở, gồm 3 lực lượng chính là: Bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách. Thực tế cho thấy đa phần các sự việc mất an ninh trật tự đều bắt nguồn từ cơ sở, mà nếu được ngăn chặn kịp thời sẽ không để hình thành những mâu thuẫn lớn. Bên cạnh lực lượng công an, thì lực lượng này có vị trí vai trò quan trọng, gần với người dân nhất, sâu sát tình hình, thực hiện giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn dân cư.

Theo Bộ Công an, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở không phải lực lượng mới thành lập mà được kiện toàn, sắp xếp, thống nhất từ 3 lực lượng sẵn có là bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách... nên không tăng biên chế. Hiện nay, hoạt động, nhiệm vụ của 3 lực lượng đang được quy định ở nhiều văn bản pháp luật, với nhiều hình thức khác nhau, do nhiều cơ quan ban hành. Khi Luật được ban hành khắc phục tình trạng "chồng chéo" này.

Luật quy định kinh phí sẽ cân đối trong tổng mức chi thực tế hiện nay của các địa phương; không tăng chi ngân sách nhà nước. Người tham gia hưởng hỗ trợ hàng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế….và nhiều chế độ khác.

Đối với Luật Căn cước cũng vừa được Quốc hội thông qua, không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân mà còn có ý nghĩa trong việc phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, giá trị và tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử trong phát triển kinh tế - xã hội.

Một trong những điểm mới trong Dự thảo Luật Căn cước là việc tích hợp thông tin cá nhân.Thay vì cầm rất nhiều giấy tờ cá nhân giờ chỉ cần 1 căn cước công dân, sẽ gọi là căn cước điện tử, tích hợp thẻ căn cước vào ứng dụng Vneid.

1 trong những băn khoăn của người dân là các thông tin cá nhân của người dân có được bảo đảm bí mật hay không. Về vấn đề này, trong báo cáo giải trình tiếp thu của Chính phủ, cũng đã khẳng định rất rõ các thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được bảo mật ở cấp độ 4, tức là cấp độ cao nhất.

Trong chiếc thẻ căn cước công dân chúng ta chia 2 vùng, vùng dữ liệu được bảo mật theo tiêu chuẩn quốc tế, và vùng mật được mã bằng Ban cơ yếu chính phủ và Bộ Công an. Các thiết bị đầu đọc cũng phải do Bộ Công an, Bộ Thông tin truyền thông ban hành theo quy chuẩn...

Đảm bảo an ninh trật tự cơ sở và quản lý dân cư - Ảnh 1.

Còn nhiều câu hỏi khác cũng được Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an phân tích, làm rõ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước