Sự suy giảm quy mô dân số, cơ cấu dân số sẽ tác động sâu sắc tới cấu trúc gia đình, đời sống văn hóa - xã hội, kinh tế, lao động, việc làm và an sinh xã hội. Làm thế nào để khắc phục nhận định "Chưa kịp giàu đã kịp già" của dân số Việt Nam?
Dân số Việt Nam sẽ tăng lên 107 triệu người vào năm 2044, sau đó giảm còn 72 triệu người năm 2100. Đây là hậu quả của mức sinh thấp.
Vài thập kỷ gần đây, tỷ lệ sinh con ở Việt Nam đã giảm từ 6,5 con/phụ nữ trong những năm 1960 xuống còn 2,05 vào năm 2020. Mức sinh ở Việt Nam chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, tỉnh, thành phố, đặc biệt là xuất hiện xu hướng mức sinh thấp.
Năm 2021, khu vực thành thị, toàn bộ tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ (trừ Bình Phước) và vùng đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thực tế đều dưới mức sinh thay thế. Trong đó một số tỉnh, thành mức sinh rất thấp, chỉ 1,48 con. TP Hồ Chí Minh sinh thấp nhất nước, tỷ lệ 1,39 con/phụ nữ tuổi sinh đẻ.
Cơ cấu tuổi tác của Việt Nam cũng đang thay đổi nhanh chóng. Nếu như Pháp mất 115 năm để Pháp chuyển từ trạng thái "xã hội đang già hóa" (7-14% số người từ 65 tuổi trở lên) sang trạng thái "xã hội già hóa" (14-21% số người từ 65 tuổi trở lên). Việt Nam trải qua quá trình này chỉ trong 19 năm.
Vấn đề việc làm cho người cao tuổi được coi là một trong những giải pháp cần quan tâm vào lúc này. Trên cả nước hiện đang có hơn 7 triệu người cao tuổi tham gia sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.
Ngày nay, với sự phát triển của kinh tế và sự tiến bộ của y học, người cao tuổi ngày càng có sức khoẻ tốt hơn, khả năng lao động kéo dài hơn so với trước. Dù đã hơn 60 tuổi nhưng ông Vinh vẫn làm được công việc cắt sắt tại xưởng sản xuất bê tông. Trong xưởng cũng có nhiều lao động cao tuổi như ông.
Dù đã hơn 60 tuổi nhưng ông Vinh vẫn làm được công việc cắt sắt tại xưởng sản xuất bê tông
Có việc làm không chỉ giúp người cao tuổi có thêm thu nhập cho bản thân và gia đình mà còn mang lại niềm vui cho họ. Thực tế, những doanh nghiệp có chủ sử dụng lao động là người cao tuổi thì cũng có xu hướng nhận người cao tuổi vào làm việc nhiều hơn.
Tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh trong khi xuất phát điểm nền kinh tế thấp khiến chúng ta có rất ít thời gian để chuẩn bị cho một xã hội dân số già, cả về phía cơ quan quản lý và mỗi cá nhân.
Nếu như trước đây khi nói về già hóa dân số, có thể đâu đó trong cộng đồng chúng ta thấy chuyện này khá xa xôi thì bây giờ bằng những con số cụ thể, chúng ta cũng đã nhìn thấy rõ ràng tốc độ già hóa dân số của Việt Nam.
Dân số là việc quan trọng của một quốc gia, đặc biệt trong những bước dịch chuyển của cơ cấu. Chúng ta sẽ không còn thể là điểm đến với nguồn lao động dồi dào, giá thành cạnh tranh; ngược lại chúng ta lại cần một nguồn ngân sách lớn để đảm bảo an sinh cho cơ cấu dân số già. Dự thảo Luật dân số và hơn thế nữa là những chính sách có liên quan cần sớm được ban hành để phù hợp với tình hình mới này.
Cùng trao đổi về chủ đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay là Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế Quốc dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!