Năm 2020, điểm chuẩn khối C vào ngành báo chí của một cơ sở đào tạo đại học thậm chí lên tới mức 28,5 điểm.
Đối với một ngành đào tạo có tác động lớn đến xã hội như ngành báo chí, phải đào tạo thế nào để đáp ứng yêu cầu xã hội, đồng thời xây dựng được thế hệ nhà báo mới hiện đại, năng động và nhân văn là trăn trở của nhiều cơ sở giáo dục đại học hiện nay.
Với một công việc đòi hỏi kỹ năng thực tế và hiểu biết xã hội sâu rộng như nghề báo, việc kết hợp chặt chẽ giữa học lý thuyết với thực hành, thực tập, thực nghiệp là yêu cầu bắt buộc đối với các sinh viên.
Các sinh viên trong một giờ thực hành
Để nâng cao chất lượng đào tạo đối với sinh viên và học viên ngành báo chí, trong 30 năm qua, cơ sở đào tạo luôn hợp tác chặt chẽ với các cơ quan báo chí trọng điểm, thiết kế các mô hình đào tạo gắn với thực tiễn, giúp sinh viên có cơ hội rèn luyện ngay từ khi trên giảng đường.
Điều này được đặc biệt đẩy mạnh trong những năm gần đây. Chương trình đào tạo được cập nhật liên tục để bắt kịp sự phát triển của báo chí hiện đại.
Trong bối cảnh báo chí - truyền thông đa phương tiện đang phát triển mạnh mẽ, công nghệ được ứng dụng triệt để trong lĩnh vực này, việc trang bị cho sinh viên các kỹ năng để làm việc trong môi trường báo chí hiện đại là điều các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông đều hướng tới. Nhưng điều các giảng viên luôn trăn trở là làm sao để trang bị được những giá trị cốt lõi, những nguyên tắc quan trọng nhất cho người làm báo trẻ?
Nhiều ý kiến cho rằng, với một nghề đặc thù như nghề báo, song song với quá trình đào tạo tốt, cần sàng lọc kỹ đầu vào, bao gồm cả nhân thân, đạo đức của người học để đảm bảo tuyển được những nhà báo tương lai vừa giỏi về chuyên môn, vừa có đạo đức và tính trách nhiệm cao đối với xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!