2021 - Cuộc chiến chống dịch bước sang một giai đoạn khác
Chương trình Dấu ấn 2021 phát sóng tối 30/12 do Ban Thời sự, Đài THVN thực hiện đã giúp khán giả nhìn lại những dấu ấn của một năm đầy khó khăn, nhiều biến động do đại dịch COVID-19 nhưng cũng vô cùng ý nghĩa với thế giới, với đất nước và với mỗi người chúng ta.
Năm 2021 là năm cả thế giới phải chao đảo vì những biến thể mới của virus SARS-CoV-2, ngày càng nguy hiểm khó lường.
24 chữ cái Hy Lạp đã được đặt tên quá nửa cho các biến thể mới. Mới nhất đã đến chữ O - biến thế Omicron đang bao phủ nhanh chóng lên hầu khắp các châu lục, với tốc độ lây lan nhanh chưa từng thấy, gấp nhiều lần so với các biến thể trước đó.
Kinh nghiệm với biến thể Delta xảy ra trước đó khiến chúng ta không thể chủ quan. Năm qua Làn sóng Delta đã tạo ra những cơn sóng dịch bệnh lớn chưa từng có, quét qua khắp các châu lục một cách đầy bất ngờ, gây chết chóc nhất kể từ đầu đại dịch, kể cả ở những nơi có hệ thống y tế tốt và tiêm vaccine sớm nhất.
Nước Anh – tự hào với mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới. Nhưng đến cuối năm vẫn hơn 90.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Biến thể Alpha xuất hiện lần đầu tại Anh, nhanh chóng bị biến thể Delta lấn át, rồi bây giờ đến Omicron. Những hy vọng mở cửa trở lại liên tục bị dập tắt.
Đeo khẩu trang trong đại dịch COVID-19 tại London, Anh. Ảnh: Reuters
Singapore đạt tỷ lệ bao phủ vaccine toàn dân lên tới hơn 80% hồi cuối tháng 8. Nhưng sự khó lường của virus nằm ngoài các kịch bản định sẵn.
Tại Ấn Độ, nơi đầu tiên phát hiện biến thể Delta. Hệ thống y tế sụp đổ với đỉnh điểm là 400.000 ca nhiễm/ngày. Hơn 200.000 ngưởi tử vong trong làn sóng COVID-19 thứ 2, nhưng con số thực tế ước tính tới 1 triệu người.
Những hình ảnh từng xuất hiện ở Ấn Độ, cũng lặp lại ở Indonesia. Nghĩa địa mới, với huyệt mộ đào mới liên tục với 2.000 ca tử vong/ngày.
Lò thiêu thi thể bệnh nhân COVID-19 tử vong tại Ấn Độ đỏ lửa. (Ảnh: AP)
Từ khi chủng Delta xâm nhập, Việt Nam cũng phải hứng chịu sức tàn phá của nó. Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đã trôi qua không trọn vẹn. COVID-19 bất ngờ quay trở lại sau 1 tháng không có ca cộng đồng.
Cả nước bước vào trận chiến mới, với quyết tâm đồng lòng chống dịch. Nhưng virus lây lan quá nhanh, quá nguy hiểm khiến tình hình dịch mỗi lúc thêm căng thẳng.
Giãn cách… Giãn cách… Lại giãn cách tiếp. Khắp nơi đường phố vắng lặng. Phương thức chống dịch của chính phủ liên tục được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với những diễn biến mới khó dự báo của dịch. Các lực lượng tuyến đầu, y bác sĩ, các chiến sĩ quân đội, công an, chính quyền cơ sở, tất cả nỗ lực quên mình, vì bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân.
Sự biến đổi khôn lường của SARS-CoV-2 cũng khiến chiến lược chống dịch của các quốc gia trên thế giới phải linh hoạt và ứng biến.
Không nơi nào có thể áp dụng giống nơi nào. Có những quốc gia tiếp tục theo đuổi chính sách Zero-Covid. Trong khi có nhiều quốc gia chấp nhận cứ đóng rồi lại mở theo diễn biến dịch. Cả thế giới thúc đẩy việc tiêm vaccine, với 8,8 tỉ liều đã được tiêm. Trong đó nhiều nước đã bắt đầu tiêm mũi thứ 3 tăng cường.
Việt Nam là một trong những nước bắt đầu sau nhưng lại tiêm chủng nhanh hàng đầu thế giới. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19 đã đạt 98% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 85% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Cùng việc triển khai đồng bộ chiến lược vaccine, Chính phủ đã quyết định chuyển hướng kịp thời, thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Cuộc chống dịch lại sang một giai đoạn khác, chấp nhận sự hiện hữu của nó. Không chủ quan nhưng cũng không hoang mang. Giờ thì không chỉ Delta, mối nguy Omicron mới xuất hiện và có thể sẽ chưa dừng. Nhưng chúng ta đang bình tĩnh ứng phó với sự biến đổi khôn lường của virus bằng sự tập trung cao độ và sẵn sàng thích ứng linh hoạt.
Người dân khắp thế giới đang trang hoàng đón năm mới. Những chuyến bay đã nối lại, nhưng lệnh hạn chế đi lại cũng có thể áp dụng bất kỳ lúc nào. Dường như con người ta đã chấp nhận và quen với sự bất định sau 2 năm dịch bệnh hết làn sóng này đến làn sóng khác. Không gì có thể ngăn được niềm vui đón năm mới mang theo những hy vọng mới.
Công thức chống dịch của Việt Nam
Qua gian khó mới cho thấy trí tuệ, bản lĩnh của dân tộc Việt Nam
Khó khăn là phép thử để bộc lộ sự sáng suốt và bản lĩnh, gian nan là nơi bộc lộ sự tử tế và lòng kiên định. Có thể nói 2021 là năm của những tình huống thử thách, trở thành phép thử đối với cả hệ thống chính trị và bộ máy chính quyền các cấp.
Năm 2021 cũng là năm đặc biệt, mở đầu một giai đoạn phát triển 5 năm. Chúng ta đã tổ chức thành công những sự kiện chính trị lớn của đất nước.
Nổi bật nhất chính là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng – sự kiện chính trị quan trọng nhất của đất nước trong 5 năm qua. Ban chấp hành Trung ương gồm 200 đồng chí ưu tú nhất đã được bầu chọn. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII với sự tín nhiệm rất cao. Nghị quyết Đại hội là sản phẩm kết tinh trí tuệ, ý chí của toàn Đảng, toàn dân – đã thể hiện khát vọng và tầm nhìn của Đảng đối với sự hùng cường, thịnh vượng của quốc gia, dân tộc.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư BCHTW khóa XIII, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam thay mặt BCHTW khóa XIII phát biểu Tại phiên bế mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ảnh: TTXVN
Sau thành công của Đại hội Đảng, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó khăn chồng chất khó khăn, cuộc bầu của đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được tổ chức và thành công tốt đẹp. Đây là cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với gần 70 triệu lá phiếu, và số cử tri đi bầu rất cao, đạt 99,6% tổng số cử tri cả nước. Cử tri đã thể hiện quyền làm chủ của mình, bầu ra 499 đại biểu Quốc hội khóa XV.
Thành công của Đại hội Đảng và cuộc bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đã định ra những phương hướng lớn, đồng thời kiện toàn bộ máy với những con người đủ phẩm chất và năng lực để lãnh đạo đất nước trong một nhiệm kỳ mới.
2021 là một năm mà đất nước phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có tiền lệ. Cả hệ thống chính trị phải căng mình ứng phó với đại dịch và những tác động nghiêm trọng của nó. Thế nhưng qua gian khó mới cho thấy trí tuệ, bản lĩnh, khẳng định được sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự ủng hộ, đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân và Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: TTXVN
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong năm đầu của nhiệm kỳ và cũng là lần đầu tiên sau nhiều năm, đã diễn ra các Hội nghị có quy mô rất lớn về xây dựng Đảng, Hội nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nội chính, văn hóa, đối ngoại nhằm quán triệt nghị quyết Đại hội Đảng XIII, đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Điều này thể hiện sự đoàn kết, nhất trí, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt.
Khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với nhân dân, thực hiện phương châm đoàn kết đoàn kết, đại đoàn kết, thành công thành công, đại thành công, thì đất nước sẽ chắc chắn vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù. Lịch sử đã chứng minh tính đúng đắn của bài học ấy và đó cũng chính là nguồn sức mạnh đưa đất nước, con người Việt Nam vươn tới những thành công mới.
Năm của những sự đứt gãy trong nền kinh tế
2020 rồi 2021, COVID-19 làm đảo lộn mọi kế hoạch. Đến mức giờ người ta nói vui rằng khái niệm dài hạn giờ chỉ tính là 1 tuần, trung hạn là 3 ngày, mà ngắn hạn là vài tiếng sau. Như thế để biết rằng các nhà lãnh đạo gặp khó khăn biết chứng nào khi hoạch định và triển khai chính sách.
Về tổng thể chúng ta luôn cố gắng vừa chống dịch, vừa duy trì phát triển kinh tế, song có những thời điểm dịch quá khốc liệt, nên chỉ có thể ưu tiên tối đa mọi nỗ lực cho việc bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân. Như các cụ ta hay nói "còn người thì còn của".
Để mô phỏng một cách tượng hình nhất về kinh tế, có thể mượn hình ảnh những mảnh ghép bởi vì do dịch bệnh mà năm 2021 là năm của những sự đứt gãy trong nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam.
2021 là năm của những sự đứt gãy trong nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam
Lúc dịch bệnh căng thẳng nhất các nhà máy gián đoạn sản xuất. Lao động không trụ lại nổi, về quê. Thành phẩm nếu làm ra được cũng chẳng có xe để đưa đi tiêu thụ.Sức mua giảm sút. Người bán không gặp được người mua. Cung không gặp được cầu.
Những tháng cuối năm, cùng với Nghị quyết 128 đã gỡ nút thắt để mạch máu của nền kinh tế tuần hoàn trở lại, song chúng ta vẫn có lúc phải chứng kiến tình cảnh hàng nghìn xe nông sản ùn ứ ở cửa khẩu. Trồng cây đến ngày hái quả, nhưng có lúc người nông dân đành phải mặc cho trái rụng rơi.
Thử thách của dịch bệnh cho chúng ta thấy sự linh hoạt trong chính sách điều hành và sức sáng tạo, thích nghi của các doanh nghiệp để hàn gắn lại các mối nối, thậm chí sắp lại một bức tranh mới sau đứt gãy.
Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 là quyết sách đúng đắn và kịp thời. Đây chính là đòn bẩy quan trọng đưa GDP quý 4 bật tăng 5,22%, nâng mức tăng trưởng GDP cả năm đạt 2,58%,
Sau 4-5 tháng bị phong toả, đóng băng vì dịch bệnh thì hình ảnh từng đoàn xe nối dài ra cảng để xuất khẩu cho thấy sự hồi sinh của doanh nghiệp và TP Hồ Chí Minh, nơi bi dịch bệnh hoành hành nặng nhất trong năm 2021.
Nhà máy vẫn sáng đèn, máy móc, băng chuyền vẫn hoạt động. Những người công nhân vui mừng khi được làm việc và họ được người chủ hứa sẽ có thưởng dịp cuối năm. Lương tháng thứ 13.
Chống chịu và vươn lên. Dù còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế TP Hồ Chí Minh đang hồi sinh từng ngày từ những người lao động cho đến nhiều doanh nghiệp.
Lương tháng thứ 13 như 1 liều trợ giúp cho người lao động thì những trợ giúp của Nhà nước trong năm 2021 cũng được ví như là những thang thuốc trợ lực cho sức sống của doanh nghiệp.
Nhiều đơn hàng, hợp đồng được kí kết dịp cuối năm. Nhiều doanh nghiệp đã trong năm nay, cũng lớn mạnh lên, vững vàng hơn. Thậm chí còn gia tăng đơn hàng.
Những lô hàng từ Việt Nam đang được xuất đi cho thấy Sức sống của doanh nghiệp Việt Nam đã được thử thách và bản lĩnh cũng dày dặn hơn.
Vị thế Việt Nam tiếp tục được củng cố trong năm 2021 đầy thách thức
Giữa bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, cạnh tranh nước lớn gia tăng, và khu vực trở thành điểm nóng chiến lược toàn cầu, Việt Nam chúng ta vẫn khẳng định tốt vị thế của mình, gửi đi thông điệp ở cấp cao nhất tới cộng đồng quốc tế rằng, Việt Nam là bạn, là đối tác đáng tin cậy, yêu chuộng hòa bình, đề cao chủ nghĩa đa phương, là thành viên trách nhiệm, đóng góp thực chất vào các hoạt động của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế.
Hơn 840 cuộc họp ở cấp Đại sứ, hơn 247 văn kiện, hàng loạt các phiên thảo luận mở với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao Việt Nam dấu ấn khẳng định vị thế và uy tín Việt Nam, khi lần thứ 2 đảm nhận vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc - diễn đàn đa phương lớn nhất hành tinh.
Vai trò lãnh đạo, dẫn dắt của Việt Nam tại các cơ chế khu vực cũng tiếp tục được khẳng định, nhất là trong thúc đẩy hợp tác nội khối ASEAN, nỗ lực đóng góp, duy trì cấu trúc an ninh khu vực.
Cùng với đó, hàng loạt hoạt động đối ngoại song phương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam với các đối tác chiến lược, truyền thống, các đối tác lớn, quan trọng, thể hiện nỗ lực tăng cường, làm sâu sắc hơn quan hệ với đối tác trên toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joe Biden (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Thủ tướng Nội các Hàn Quốc Kim Boo Kyum
2021 là một năm kinh tế khó khăn chưa từng có nhưng điều đáng mừng là kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt kỷ lục, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.Vẫn là hình ảnh một Việt Nam phát triển, hội nhập, đối tác tin cậy của bạn bè quốc tế, tiếng nói quan trọng trên các diễn đàn thế giới và khu vực. Một vị thế Việt Nam tiếp tục được củng cố, qua năm 2021 thế giới đầy thách thức.
Đó chính là nhờ chúng ta là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, kể COVID-19 thì các hiệp định tự do thương mại, trong đó có Hiệp định với Liên minh châu Âu (EVFTA) đã phát huy tác dụng ngay sau 1 năm thực thi. Đây được ví như là một trợ lực để Việt Nam vượt qua dịch bệnh và lấy lại đà tăng trưởng.
Dù dịch bệnh được dự báo vẫn còn phức tạp, nhưng chúng ta vẫn đang chào đón năm mới 2022 với nhiều kỳ vọng mới. Khó khăn luôn là phép thử hiệu quả để gặt hái được thành công. Những bài học của năm qua sẽ như bước đà để Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ trong năm mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!