Đau bụng 5 năm do viêm bàng quang

Anh Thư-Thứ năm, ngày 16/11/2023 08:00 GMT+7

VTV.vn - Vài tháng, chị H. đau bụng một lần, tình trạng này kéo dài hơn 5 năm. Lần này, chị nhập viện cấp cứu do đau bụng quằn quại, tiểu buốt, tiểu máu.

Khi nội soi bàng quang (bọng đái) cho chị T.T.H. (33 tuổi, ở Tiền Giang), tiến sĩ bác sĩ Lê Phúc Liên, Trưởng Đơn vị Niệu nữ, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh phát hiện trong thành bàng quang có nhiều tổn thương dạng loét và điểm xuất huyết.

Điều này nguy hiểm bởi bàng quang có chức năng chứa đựng và tống xuất nước tiểu ra ngoài thông qua niệu đạo và thành bàng quang (lớp trong cùng của niêm mạc bàng quang) giúp bảo vệ cơ quan này tránh các độc tố từ nước tiểu. Khi lớp màng này không còn nguyên vẹn, khiến nước tiểu gây kích ứng thành bàng quang, làm tăng giải phóng histamin (chất sản sinh các phản ứng viêm, dị ứng, sốc phản vệ…) gây triệu chứng viêm. Kích ứng cũng làm tăng số lượng tế bào thần kinh trong thành bàng quang, làm người bệnh tăng nhạy cảm với cơn đau. Do đó chị H. luôn có cảm giác đau nhiều gấp 2-3 lần so với người bình thường. Chị được chẩn đoán bị hội chứng đau bàng quang mạn tính (còn gọi viêm bàng quang kẽ).

Viêm bàng quang kẽ là tình trạng đau và khó chịu vùng bàng quang kèm tiểu gấp, tiểu nhiều lần, kéo dài trên 6 tháng nhưng không do nhiễm trùng hoặc không xác định được nguyên nhân khác. Người bệnh có niêm mạc bàng quang bị viêm và kích thích (đỏ và đau). Trường hợp nặng, tình trạng viêm có thể tạo sẹo và làm cứng bàng quang nên bàng quang không thể giãn ra để chứa đựng nước tiểu, khiến người bệnh đi tiểu nhiều lần, tiểu không tự chủ.

Đau bụng 5 năm do viêm bàng quang - Ảnh 1.

Bác sĩ Lê Phúc Liên thăm khám cho người bệnh viêm bàng quang kẽ. Ảnh: Anh Thư

Chị H. được điều trị kết hợp gồm truyền kháng sinh toàn thân, sử dụng thuốc giảm đau liều cao, bơm thuốc GAG vào bàng quang để tạo 1 lớp tráng bảo vệ lòng bàng quang, đồng thời thay đổi các thói quen vệ sinh vùng kín có thể gây viêm trở lại, như không dùng các loại nước rửa phụ khoa... Sau 5 ngày, cơn đau và các rối loạn tiểu tiện của chị H. đã giảm. Tuy nhiên, người bệnh cần điều trị kháng sinh đủ 1 tuần, bơm thuốc vào bàng quang liên tục trong 2 tháng tới để đạt hiệu quả tốt nhất.

Chị H. cho biết bị viêm bàng quang hơn 5 năm, dù đã điều trị nhưng bệnh dễ tái phát, khoảng vài tháng 1 lần. Chị đã khám và điều trị tại nhiều bệnh viện lớn trong thành phố nhưng chỉ giảm một thời gian. Tuy nhiên gần 1 tuần nay, chị phải nhập viện vì đau bụng, đau rát vùng kín dữ dội kèm tiểu buốt, tiểu nhiều lần, không đáp ứng với thuốc uống. Cơn đau quằn quại, vượt quá sức chịu đựng khiến chị không thể ngồi, đi đứng và phải xin nghỉ việc.

Theo tiến sĩ Lê Phúc Liên, viêm bàng quang kẽ là bệnh mạn tính, khó chữa khỏi dứt điểm, hiện nay chủ yếu là điều trị triệu chứng. 90% người bệnh viêm bàng quang kẽ rơi vào phụ nữ. Nhưng nếu kiên trì tuân thủ tốt, người bệnh sẽ giảm bớt cơn đau, giảm tần suất đi tiểu, cải thiện hoạt động tình dục, ngăn bệnh bùng phát.

Đến nay, y học vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây viêm bàng quang kẽ nhưng có ghi nhận một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở nữ giới là do cấu trúc hậu môn gần niệu đạo (ống dẫn nước tiểu) cũng như thói quen vệ sinh vùng kín quá sạch khiến vi khuẩn thường trú có lợi bị mất đi, các vi khuẩn có hại tăng hoạt động gây viêm nhiễm, hoặc vệ sinh không kỹ, nhịn tiểu lâu, ít uống nước…

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ thống kê có 1-5/100.000 phụ nữ mắc bệnh viêm bàng quang kẽ và khoảng 12% phụ nữ có các triệu chứng sớm của bệnh.

Viêm bàng quang kẽ không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sống, công việc của người bệnh mà còn có khả năng gây nhiễm trùng máu, nhiễm trùng đường tiểu, sốc nhiễm trùng, biến chứng viêm thận, hư thận…

Đau bụng 5 năm do viêm bàng quang - Ảnh 2.

Mô phỏng tình trạng viêm bàng quang kẽ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Không có cơ quan nào có thể thay thế được chức năng của bàng quang. Bàng quang không chỉ có nhiệm vụ chứa nước tiểu và tống xuất ra ngoài mà còn bảo vệ thận khi giúp nước tiểu không trào ngược vào thận. Do đó, ngoài viêm bàng quang kẽ thì bàng quang còn dễ gặp nhiều bệnh khác như ung thư, sỏi, viêm, bàng quang tăng hoạt, bàng quang thần kinh…

Tiến sĩ bác sĩ Lê Phúc Liên cảnh báo các thói quen nhịn tiểu lâu, uống ít nước, tự uống thuốc điều trị bệnh tại nhà… cũng ảnh hưởng xấu đến chức năng bàng quang. Vì thế, người dân nên thay đổi các thói quen này. Nếu có các triệu chứng đau vùng chậu, rối loạn tiểu tiện, đặc biệt người có tiền sử mắc bệnh bàng quang, cần đi khám sớm để tránh biến chứng nặng.

20h ngày 16/11, chương trình tư vấn trực tuyến "Tìm hiểu chức năng bàng quang và bệnh liên quan" phát trên báo điện tử https://vtv.vn/, https://thanhnien.vn/, https://tamanhhospital.vn/; livestream trên Ứng dụng VTVGo của Đài truyền hình Việt Nam. Ứng dụng xem truyền hình trực tuyến THVLi - Đài truyền hình Vĩnh Long; livestream trên các fanpage Trung tâm Tin tức VTV24, VTV8 - Đài truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Vĩnh Long, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Trung tâm Tiêm chủng trẻ em và người lớn VNVC, fanpage Tiết niệu - Nam học BVĐK Tâm Anh; kênh Youtube Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Youtube Tiết niệu Nam học Tâm Anh, Youtube Báo Thanh Niên, Đài THVL; tiếp sóng trên fanpage VnExpress.net của Báo điện tử VnExpress, fanpage Báo Thanh Niên của báo Thanh Niên.

Chương trình cung cấp thông tin về bệnh thận, triệu chứng, phương pháp điều trị như chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng và khuyến cáo của bác sĩ với người bệnh. Các bác sĩ khoa Thận học - Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM tham gia tư vấn của TTƯT.PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên, ThS.BS Nguyễn Tân Cương, TS.BS Lê Phúc Liên. Độc giả có thể đặt câu hỏi tại đây để được tư vấn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước