Sau 9 tháng thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, đã có 67 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip được cấp cho người dân. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã triển khai kết nối chính thức với một số cơ sở dữ liệu của 11 bộ, ngành; 4 doanh nghiệp nhà nước và 14 địa phương.
Để đề án 06 tiếp tục được triển khai sâu rộng, đạt hiệu quả cao, Bộ Công an cũng đẩy mạnh những biện pháp tuyên truyền để người dân nắm được những lợi ích của việc ứng dụng dữ liệu dân cư trong công cuộc chuyển đổi số.
Chuyển từ Thái Bình lên Hà Nội làm việc, anh Tiến đến trụ sở công an phường Yên Hòa để làm thủ tục đăng ký tạm trú. Thay vì phải mang đủ loại giấy tờ, anh Tiến chỉ mất vài phút thao tác trên máy tính. Mọi dữ liệu cá nhân đã được lưu trữ trên cổng dịch vụ công trực tuyến nên việc đăng ký tạm trú cũng được cơ quan công an thực hiện rất nhanh chóng.
"Hôm nay em đến đây không mang giấy tờ gì cả, được các anh hướng dẫn đăng ký trên cổng dịch vụ công, em thấy làm rất nhanh, chỉ 5 - 10 phút là xong", anh Cao Minh Tiến cho hay.
Bộ Công an đang đẩy mạnh những biện pháp tuyên truyền để người dân nắm được những lợi ích của việc ứng dụng dữ liệu dân cư trong công cuộc chuyển đổi số.
Dù diện tích chỉ có hơn 2km2 nhưng phường Yên Hòa là địa phương có mật độ dân cư cao với gần 50.000 người. Bởi vậy để đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư được phổ biến đến tất cả mọi người dân, ngoài việc sử dụng các biện pháp công nghệ, lực lượng cảnh sát khu vực cũng thường xuyên xuống địa bàn tuyên truyền hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công trực tuyến.
Bộ Công an cũng phối hợp với đơn vị truyền thông thiết kế pano áp phích và phát trên các màn hình LED tại các khu vực đông dân cư trên toàn quốc. Thậm chí, tại các màn hình thang máy trong các khu chung cư, người dân cũng có thể tìm hiểu thông tin về Đề án 06.
Đến thời điểm hiện tại đã có hơn 11.000 trong tổng số hơn 13.000 cơ sở y tế sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip tích hợp BHYT trong khám chữa bệnh, đạt tỷ lệ 84,9%.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công an, sau ngày 31/12/2022, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết hiệu lực. Khi đó, căn cước công dân gắn chíp là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!