Tuy vậy, một số đại biểu cho rằng nhìn lại gần 2 năm qua, thực tiễn cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập, từ đó kiến nghị nhiều giải pháp về chính sách, nguồn vốn, nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng của hệ thống này.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: "Để thực sự sống chung với dịch và chủ động linh hoạt trong việc khống chế tỷ lệ nhiễm và giảm số ca nặng, tử vong, chúng ta phải xem lại thực trạng y tế cơ sở. Có chỉ tiêu 30% ngân sách dành cho y tế dự phòng và y tế cơ sở nhưng số địa phương thực hiện được điều này vẫn còn đếm trên đầu ngón tay. Chúng ta phải có phân bổ như thế nào để thực sự đáp ứng quy mô dân cư chứ không chỉ trên vấn đề phân chia về địa lý".
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) phát biểu
Cũng liên quan đến hệ thống y tế cơ sở, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cho biết: "Chỉ xét riêng năng lực phòng chống bệnh lây nhiễm trước đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư, số trung tâm y tế dự phòng cấp tỉnh làm được xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2 rất hạn chế. Đến nay, phần lớn trung tâm y tế tuyến huyện vẫn chưa có phòng xét nghiệm sinh học phân tử nên việc xét nghiệm đều dồn về tỉnh, thành phố làm chậm trễ việc xác định ca bệnh, ảnh hưởng nhiều đến công tác phòng chống dịch. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần dành nhiều nguồn lực hơn nữa để đầu tư cho hệ thống y tế dự phòng với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh".
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang): "Năng lực y tế cơ sở rất thiếu và yếu nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, không thể đáp ứng yêu cầu trong công tác phòng chống dịch do vậy đề nghị Chính phủ tập trung đầu tư nâng cao năng lực y tế cơ sở để đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống dịch trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp, ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngữ cán bộ y tế tuyến huyện, tuyến xã để đáp ứng khả năng phòng chống dịch".
Làm rõ về vấn đề y tế cơ sở, y tế dự phòng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đây là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm; Nghị quyết 20 của Trung ương đã xác định y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng. Chính phủ đã ban hành Quyết định 2348 ngày 05/12/2016 của TTCP xây dựng Y tế cơ sở trong tình hình mới; các đề án 47, 930 đã đầu tư cho tuyến huyện trước năm 2011 và hiện nay đang huy động một số dự án ODA đầu tư các trạm y tế tuyến xã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận được các dịch vụ y tế chất lượng ngay tại cơ sở.
Tuy nhiên hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế và chưa đáp ứng năng lực phòng, chống dịch, nhất là khi xảy ra tình huống đại dịch như trong thời gian vừa qua.
Trưởng ngành y tế nêu rõ, trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Y tế sẽ tập trung củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới; cơ cấu lại hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; tăng cường đầu tư, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế tài chính và mở rộng việc cung ứng dịch vụ y tế cơ sở.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!