Y tế cơ sở là hệ thống y tế gần với người dân nhất. Thời điểm dịch bệnh phức tạp tại TP Hồ Chí Minh, hệ thống này đã có vai trò rất lớn trong việc quản lý, chăm sóc F0 tại cộng đồng. Tuy nhiên, đợt dịch vừa qua đã cho thấy hệ thống y tế cơ sở đã bộc lộ nhiều điểm yếu.
Tại trạm y tế phường 15, quận 4 chỉ có 4 nhân viên y tế cơ hữu. Trong khi quy mô dân số là 13.000 - 14.000 ndân. Điều này sẽ gây rất nhiều khó khăn nếu dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. 4 nhân viên cơ hữu vừa tư vấn cho bệnh nhân, vừa nhập liệu, vừa làm các công tác truy vết. Thời điểm dịch bệnh phức tạp, mỗi ngày trạm có thể tiếp nhận khoảng 200 cuộc gọi cần sự trợ giúp đã dẫn đến quá tải.
"Chỉ có 4 nhân lực làm việc 24/24. Thậm chí có bệnh nhân 1-2h sáng hoặc nửa đêm gọi điện cấp cứu mình thì điện thoại bàn không thể nào đáp ứng 100 cuộc gọi cùng lúc. Điện thoại cá nhân cũng không thể nào bắt máy kịp", dược sĩ Phan Thị Mỹ Hương, Quản lý Trạm y tế phường 15 cho biết.
Áp lực quá tải do sự chênh lệch nhân lực với dân số địa phương cũng xảy ra ở hầu khắp các trạm y tế của TP Hồ Chí Minh. Theo đại diện Sở Y tế TP, nút thắt do Thông tư 08 năm 2007 của Bộ Y tế quy định số biên chế tối đa của mỗi trạm y tế chỉ được 10 người.
Khi các trạm y tế yếu sức, hệ thống y tế lưu động đã được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đến đầu tháng 11, khi lực lượng quân y rút về, bài toán cho trạm y tế lưu động và y tế cơ sở cần được tính. Các ý kiến cho rằng tăng cường năng lực cho trạm y tế mới là giải pháp lâu dài, để không xảy ra những tình huống đáng tiếc.
Là hệ thống y tế gần người dân nhất nên thời gian tiếp cận người dân cần giúp đỡ ngắn nhất nhưng việc nhân lực không tương xứng với nhiều chức năng phải gồng gánh cần được tháo gỡ cho trạm y tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!