ĐBSCL xảy ra hơn 120 vụ sạt lở từ đầu năm 2023 đến nay

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 13/06/2023 21:48 GMT+7

VTV.vn - Nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi xuất hiện hàng loạt các vụ sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân.

Tại xã Tân Thới, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ vừa xảy ra đoạn sạt lở khoảng 25 mét, chiều ngang khoảng 7 mét. Hiện các ngành chuyên môn và chính quyền địa phương đã khoanh vùng nguy hiểm, phân luồng giao thông, không cho người dân và các phương tiện giao thông lưu thông qua đoạn sạt lở, tạo lối đi phụ, giúp người dân lưu thông tạm thời.

Còn tại xã Mỹ Khánh, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang đã xảy ra sạt lở với chiều dài khoảng 45m, phía bờ sông ăn sâu vào mặt đường nhựa, phía tiếp giáp nhà dân có hiện tượng rạn nứt rất nguy hiểm. Địa phương cũng vận động người dân không ngủ nghỉ tại nhà nhằm đảm bảo an toàn tính mạng.

Từ đầu năm đến nay, ĐBSCL đã xảy ra hơn 120 vụ sạt lở, gần bằng số vụ sạt lở của cả năm ngoái.

Sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long không phải là câu chuyện xa lạ. Dù vậy, công tác chủ động phòng chống lại gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ là những tình huống bất ngờ mà cả những vùng đã được dự báo thì chuyện phòng chống vẫn là bài toán khó.

Gian nan phòng chống sạt lở

Năm căn nhà cấp 4 dạng ki ốt của người dân nằm dưới nước chỉ còn thấy nóc.

Quay trở lại điểm sạt lở khi trời ngớt mưa, ông Nguyễn Hoàng Lâm (xã Phước Lại, Cần Giuộc, Long An) cùng với những người quen tìm lại tài sản vẫn đang còn chìm dưới nước.

Nguyên nhân ban đầu được xác định dòng chảy của tuyến sông bị thay đổi, nước thường xuyên xoáy vào tả ngạn con sông, gây nên hiện tượng sạt lở liên tục uy hiếp nhà cửa của người dân và cả tỉnh lộ 826C. Theo UBND H.Cần Giuộc, khu vực này nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, kéo dài khoảng 1,2 km, đã được chính quyền cảnh báo. 4/5 hộ đã được động viên di dời người và tài sản nên đã hạn chế được thiệt hại.

Còn tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, Công ty Thủy sản Trường Phúc, Bạc Liêu vừa bị sụp căn nhà tiền chế. Hồ dự phòng xử lý nước thải cùng hệ thống tường bao kiên cố cao tới 2 mét cũng bị dòng sông nuốt chửng. Doanh nghiệp cho biết, đã từng lo sợ sạt lở sẽ xảy ra. Dù đã có sự phòng bị nhưng vẫn không tránh khỏi.

Hiện chính doanh nghiệp cũng đang gặp khó trong công tác gia cố, bảo vệ phần nhà xưởng còn lại. Bởi đơn vị không biết rõ địa chất, địa hình của dòng sông bị tác động ra sao. Còn địa phương cũng chỉ có thể đến vận động các doanh nghiệp, nhà dân dọc bờ sông Gành Hào chủ động theo dõi tình hình, với phương châm phòng là chính.

Sạt lở bờ sông giờ đây diễn ra khắp mọi nơi ở ĐBSCL và không còn tuân theo quy luật bên lở bên bồi nữa. Tác động từ thời tiết chỉ là phần rất nhỏ. Còn rất nhiều yếu tố ảnh hưởng, trong đó phải kể đến 2 nguyên nhân quan trọng nhất là mất phù sa và khai thác cát quá mức.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, hiện nay đáy của sông Tiền, sông Hậu - hai con sông chính đã sâu hơn từ 3 - 4 m so với thời điểm cách đây 20 - 30 năm. Khi lòng sông sâu xuống đồng nghĩa với bờ sông cao và nặng hơn, mái cũng dốc hơn, dễ dàng đổ sụp xuống.

Việc khai thác cát tại bất cứ chỗ nào thuộc khu vực ĐBSCL cũng sẽ ảnh hưởng đến toàn vùng đồng bằng bởi sông có cơ chế tái phân phối đáy. Nếu chúng ta khai thác cát thành 1 hố sâu thì cát ở nơi khác sẽ chảy về lấp lại, làm bề mặt đáy sông ngày càng thấp.

Khi dòng chính sâu, sẽ rút cát từ đáy sông nhánh, rút dần vào mạng lưới kênh nhỏ hơn, khiến sạt lở lan ra khắp đồng bằng. Những vùng dù không khai thác cát cũng bị sạt lở.

Giải pháp ứng phó sạt lở bờ sông

Các nhà khoa học cảnh báo, ĐBSCL có thể phải đối mặt với thảm họa tan rã trong tương lai, mà biểu hiện là tình trạng sạt lở nghiêm trọng bờ sông đang xảy ra. Do vậy, các giải pháp phòng chống sạt lở càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước