Bảo vệ, phòng chống sạt lở đê biển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm. Cứ đến đầu mùa mưa bão, các phương án hộ đê, phòng chống sạt lở lại được địa phương tập trung triển khai.
Mưa bão, gió to, hàng loạt cơn sóng lớn liên tục xô mạnh vào bờ biển Tây. Hệ thống kè chắn sóng đã chặn đứng một phần sóng biển, nhưng vẫn có không ít ngọn sóng vượt khỏi kè đá lấn sâu vào bờ. Những đoạn đê bị mất rừng phòng hộ bên ngoài, sóng đánh thẳng vào chân đê, nguy cơ sạt lở rất cao.
Mặc dù đang lúc đỉnh triều không cao, nhưng những cơn sóng lớn liên tục va đập vào bờ. Mỗi cơn sóng rút đi, mang theo một phần đất cát. Tuyến đê biển đang bị uy hiếp trầm trọng.
Kè đá khan, một trong nhiều giải pháp hộ đê khẩn cấp ven tuyến biển Tây sẽ được triển khai thực hiện trong mùa mưa bão 2024. (Ảnh: Nhân dân)
Tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 90 km chiều dài bờ biển bị sạt lở ở nhiều cấp độ khác nhau. Riêng bờ biển Tây đã được đầu tư xây dựng đê biển, hiện vẫn còn 22 km bị sạt lở ở mức độ nguy hiểm. 350 m đoạn đê biển có nguy cơ sạt lở cao thuộc xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, là một trong những vị trí trọng yếu đang được tăng cường bảo vệ. Công tác phối hợp tuần tra được thực hiện cả ngày lẫn đêm.
"Mưa bão thì chúng tôi tăng cường tuần tra thường xuyên và chú trọng những điểm có nguy cơ sạt lở cao, đặc biệt là kèm theo mưa dông và nước lớn", ông Lê Minh Vũ, Phó Trưởng Trạm Quản lý đê điều Trần Văn Thời - Phú Tân, Cà Mau, cho biết.
"Những ngày mưa bão, bố trí 24/24 lực lượng quản lý đê chuyên trách và phối hợp với quản lý đê nhân dân để tham mưu cho chi cục, khi phát hiện thì đề xuất xử lý ngay", ông Bùi Hào Đông, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều Cà Mau, thông tin.
Trước diễn biến bất thường của mưa bão, Cà Mau sẵn sàng huy động mọi nguồn lực, xử lý các sự cố ngay từ khi mới phát sinh, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!