Phải mất 10 năm, vườn keo của ông Trần Dương Thanh (xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) mới có thể thu hoạch. Đợt đầu chỉ mất 6 năm, đợt sau mất hơn 7 năm mới bán được giá. Nhưng trồng keo vụ thứ ba vẫn trên mảnh vườn ấy, giống ấy mà đất thì đã cằn, keo còi cọc khó lớn và càng khó bán.
Nhiều địa bàn cố gắng phát triển rừng trồng để tạo sinh kế giúp dân nhưng không hiệu quả. Chị Đặng Thị Xuân (bản Bẵng, xã Lương Bằng, Chợ Đồn, Bắc Kạn) cho biết đất dốc, trồng keo dễ gãy đổ nên phải chuyển sang trồng cây mỡ với chu kỳ dài tới 10 năm mà giá thấp, còn nuôi trâu bò cũng chỉ được 1-2 con vì dù ở miền núi nhưng đất vườn rừng nhỏ hẹp, không nuôi được nhiều. Vợ chồng chị cũng chưa biết tính làm gì khác.
Còn trường hợp của chị Võ Thị Phúc (xã Hòa Hải, Hương Khê, Hà Tĩnh), từng thoát nghèo nhờ 8 năm nuôi trâu bò sinh sản nhưng năm nay, giá trâu bò xuống quá thấp buộc chị Phúc phải thay đổi mô hình chăn nuôi để thêm một nguồn thu nhập ổn định khác. Nếu cứ tiếp tục nuôi trâu bò, với chị là bế tắc.
Trồng 1 loại cây - nuôi 1 loại con cụ thể là trồng keo và nuôi bò đang là lối mòn giảm nghèo ở nhiều nơi và nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo còn cao khi việc làm và thu nhập không ổn định, dẫn đến tình trạng thoát nghèo của nhiều hộ dân thiếu bền vững. Theo kết quả điều tra, 20% nhóm đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo đã tái nghèo chỉ sau 2 năm.
Các chuyên gia nông nghiệp đã từng cảnh báo việc phát triển cây keo ồ ạt, mặc dù chủ yếu là quy mô hộ gia đình nhưng được trồng tập trung, liền vùng, liền thửa với quy mô lớn sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về mặt sinh thái, môi trường và không đảm bảo hiệu quả bền vững. Hệ lụy sau 2 vụ trồng keo trên cùng một mảnh đất vườn đã cho thấy rõ. Còn việc nuôi bò giờ cũng không phải hướng phát triển kinh tế thuận lợi khi giá bò trong nước giảm sâu trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng.
Hai yếu tố này tác động mạnh đến nhóm hộ vừa thoát nghèo và cận nghèo bởi thu nhập giảm, thiếu việc làm có thể dẫn đến nguy cơ tái nghèo. Đây là vấn đề cần được giải quyết trong các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo duy trì ở mức 1 - 1,5%/năm; đến năm 2025 có 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Để đạt mục tiêu này, các chuyên gia cho rằng cần phải có những đổi mới, sáng tạo hơn trong cách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các giải pháp giảm nghèo phải triển khai thiết thực và hiệu quả hơn thay vì đi vào lối mòn.
Để giảm nghèo bền vững, hộ mới thoát nghèo được tiếp tục vay ưu đãi từ nguồn vốn chính sách xã hội từ 3-5 năm. Đây là thời gian đủ để người dân có thể tìm kiếm các mô hình phát triển kinh tế mới, linh hoạt và hiệu quả. Ngoài thực hiện các chính sách giảm nghèo đặc thù của từng địa bàn cụ thể thì các địa phương cần đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!