Đề nghị quy định thời gian nghỉ khám thai lên 9, 10 ngày
Quy định về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ý kiến. Theo khoản 1 Điều 53 của dự thảo Luật quy định "trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa là 5 lần, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai tối đa là 2 ngày cho 1 lần đi khám thai".
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang) đề nghị nghiên cứu tăng số lần đi khám thai là tối thiểu 5 lần, số lần có thể nhiều hơn 5 lần đối với trường hợp có chỉ định của người hành nghề trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, vì trên thực tế người lao động mang thai bình quân theo chỉ định của bác sĩ cứ một tháng người lao động phải đi khám một lần, chưa kể những tháng cuối của người mang thai để theo dõi sự phát triển bình thường của thai nhi. Vì vậy, nếu chỉ quy định lao động nữ được khám thai 5 lần trong thai kỳ thì lao động nữ nhiều lần phải xin nghỉ việc, nghỉ phép hoặc nghỉ khám bệnh không lương.
Đại biểu Nguyễn Tri Thức (đoàn TP Hồ Chí Minh)
Còn theo đại biểu Nguyễn Tri Thức (đoàn TP Hồ Chí Minh), Tổ chức Y tế thế giới quy định một chu kỳ khám thai là 5 lần, nhưng nên chia ra thai bình thường và thai bệnh lý. Thai bình thường là 5 lần, trung bình một lần khám chỉ một ngày, có những trường hợp đặc biệt là 2 ngày, nhưng 2 ngày đó phải chờ kết quả xét nghiệm và quay lại lấy kết quả. Do đó, đại biểu cho rằng khi quy định 2 ngày cũng nên quy định liên tiếp hoặc có khoảng cách để người ta chờ kết quả xét nghiệm. Thai bệnh lý nên để bác sĩ quyết định nghỉ bao nhiêu.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) cũng đề nghị quy định có thêm sự lựa chọn. Một là có thể nghỉ tối đa 5 lần, mỗi lần không quá 2 ngày hoặc quy định tối đa 10 ngày trong suốt thai kỳ để có thể đi khám thai định kỳ.
Đại biểu Hà Hồng Hạnh (đoàn Khánh Hòa) thì đề nghị sửa đổi mức nghỉ lên đến tối đa 9 ngày để đảm bảo cho lao động nữ được theo dõi đầy đủ sức khỏe cho thai nhi và người mẹ trong suốt quá trình mang thai.
Nghiên cứu tăng số ngày nghỉ của lao động nam khi vợ sinh đôi
Cũng liên quan đến quy định về chế độ thai sản, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) đề nghị nghiên cứu tăng số ngày nghỉ của lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi vợ sinh con được nghỉ, hưởng theo chế độ thai sản lên tối thiểu là 10 ngày với trường hợp thông thường và cao hơn đối với những trường hợp sinh đôi trở lên hoặc sinh phải phẫu thuật để đảm bảo tính trách nhiệm và tạo điều kiện cho người cha hỗ trợ người mẹ trong quá trình chăm sóc con nhỏ.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) nêu thực tế hiện nay một số phụ nữ không kết hôn hoặc đơn thân nhưng vẫn có nhu cầu có con có xu hướng gia tăng.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh)
"Tôi cho rằng những đối tượng này cũng cần được hưởng chính sách của Nhà nước về người chăm sóc khi sinh con. Do vậy, tôi đề nghị dự thảo luật bổ sung thêm đối tượng hưởng chế độ thai sản đối với phụ nữ đơn thân. Ví dụ, mẹ hoặc chị, em gái hoặc người thân như sau: "Người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội đăng ký phục vụ phụ nữ sinh con cũng sẽ được hưởng chế độ phục vụ phụ nữ khi sinh con" – đại biểu đoàn Hà Tĩnh nêu rõ.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tri Thức (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị xem xét việc phân chia tuổi thai khi quy định về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi sẩy thai, phá thai. Đại biểu cũng cho rằng thời gian nghỉ việc 7 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai và 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản theo ý kiến các nhà chuyên môn của sản khoa là hơi dài. Thông thường ở các cơ sở y tế bây giờ đặt vòng chỉ nghỉ từ 3 đến 5 ngày và triệt sản chỉ nghỉ từ 7 đến 10 ngày.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!