Đề xuất cho xe khách, bus thường đi vào làn BRT chỉ là giải pháp tạm thời

Minh Đức-Thứ tư, ngày 29/06/2022 14:29 GMT+7

VTV.vn - Việc tổ chức để thêm các loại phương đi vào làn ưu tiên sẽ giúp không gian làn bên cạnh sẽ thông thoáng hơn tuy nhiên đây chỉ được xem là giải pháp tạm thời.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Tramoc) TP Hà Nội cho biết, tính đến nay, tuyến bus nhanh BRT 01 đã đi vào hoạt động được 6 năm.

Trong quá trình hoạt động, có rất nhiều ý kiến liên quan đến tổ chức giao thông cho BRT. Dù ngay từ đầu dự án, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội đã có phương án tổ chức giao thông cho BRT 01 nhưng đến nay, có thể nói tuyến bus nhanh này vẫn chưa hoạt động đúng phương án đã được thiết kế ban đầu, chưa đảm bảo tốc độ vận hành, chưa đảm bảo tần suất thiết kế.

Bên cạnh đó, BRT đang phải đối mặt với vấn đề do không tổ chức dải phân cách cứng nên các phương tiện khác, chủ yếu là xe cá nhân như ô tô, xe máy lấn làn BRT, làm cho BRT giảm tốc độ lưu hành. Vì vậy, tuyến bus nhanh BRT chưa thể hoạt động đúng thiết kế nên chưa thể hiện rõ tính hấp dẫn và ưu việt của loại hình vận tải này.

Vừa qua, TP Hà Nội giao nhiệm vụ cho Viện Kinh tế - Xã hội khảo sát tương đối tổng thể về hoạt động của BRT và đã có đề xuất ý kiến tiếp tục tăng cường tổ chức giao thông để tạo thuận lợi cho BRT. Trước mắt, Viện Kinh tế - Xã hội đề xuất, vào thời điểm ngoài giờ BRT hoạt động (từ 22h đến 5h) cho các phương tiện khác chạy vào làn BRT để tránh lãng phí.

Tiếp đó, Sở GTVT Hà Nội cũng đã báo cáo thành phố xin ý kiến tổ chức giao thông theo hướng mở rộng một phần, căn cứ vào tần suất bus nhanh BRT hiện nay chưa bao phủ hết các khung giờ nên các xe khác đã xâm phạm vào làn riêng.

Trước tình hình đó, Sở GTVT cho rằng có thể tách một số đối tượng ra khỏi làn giao thông chung và cho phép tham gia làn BRT để tránh lãng phí, trong đó, xe vận tải khối lượng lớn được cân nhắc đến vì hiệu quả cao.

Trong giai đoạn này với bối cảnh hoạt động của BRT hiện nay, Tramoc cho rằng những đề xuất trên phù hợp để có thể tổ chức thí điểm, xem xét, đánh giá.

Mặt khác, theo Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội, khi tuyến bus BRT hoạt động đúng công suất, tính hấp dẫn tăng lên, khách đi lại đông hơn thì trung tâm sẽ tổ chức lại giao thông xe bus. Việc đề xuất cho các phương tiện khác được cho phép đi vào làn BRT chỉ có tính thời điểm và sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Việc tổ chức công khai, hướng dẫn cụ thể cho BRT và một số đối tượng đi vào làn ưu tiên sẽ giúp không gian làn bên cạnh sẽ thông thoáng hơn, rủi ro về xâm phạm làn sẽ giảm đi, dần dần thành thói quen. Quan trọng nhất là người tham gia giao thông sẽ hình thành thói quen đi đúng làn.

Ông Nguyễn Hoàng Hải đánh giá BRT đến thời điểm này đã phát huy được ưu thế của một loại hình mới. Nhiều báo cáo của Sở GTVT trước giai đoạn dịch COVID-19 đã khẳng định: BRT là một loại hình vận tải có sức hút tương đối tốt. Nó trở thành tuyến bus có năng lực vận chuyển cao nhất trong toàn mạng; số người đi lại thường xuyên (vé tháng) cao nhất trong toàn mạng.

Nhân viên văn phòng dọc tuyến nhiều người đã bỏ ô tô, xe máy chuyển sang BRT. Tốc độ lưu hành của BRT cao hơn xe bus thường 30%.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước