Hà Nội đề xuất cho xe khách, bus thường đi vào làn BRT

PV-Thứ sáu, ngày 24/06/2022 13:29 GMT+7

Bus nhanh BRT hoạt động trên đường Láng Hạ, Hà Nội. Ảnh: Kinh tế & Đô thị.

VTV.vn - Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa đề xuất UBND TP cho phép xe khách (trên 24 chỗ), xe công vụ, xe cứu nạn, buýt thường được đi vào làn đường dành riêng cho bus BRT 01.

Theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội về việc điều chỉnh phương án tổ chức giao thông trên tuyến bus nhanh BRT 01 có lộ trình bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã, Sở GTVT Hà Nội đề xuất TP Hà Nội tổ chức lại tuyến đường dành riêng xe bus BRT, cho phép các phương tiện lưu thông vào gồm xe vận tải khách khối lượng lớn từ 24 chỗ trở lên, các loại xe công vụ, xe cứu nạn, xe bus thường. Đề xuất này nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, đồng thời tăng hiệu quả khai thác hệ thống hạ tầng giao thông trên tuyến đường có xe bus BRT đi qua.

Sở GTVT Hà Nội cho biết, tuyến xe bus nhanh BRT 01 từ Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa, thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ theo Hiệp định tín dụng tài trợ cho dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội và Hiệp định tín dụng viện trợ của quỹ môi trường toàn cầu. Do vậy, để thực hiện điều chỉnh thí điểm như trên, Sở GTVT kiến nghị với TP Hà Nội có ý kiến thống nhất với WB.

Sở GTVT Hà Nội cho hay, tuyến BRT là trục xuyên tâm, do tập trung các phương tiện ra, vào khu vực trung tâm, lưu lượng các phương tiện tăng cao, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm gây ra tình trạng ùn ứ giao thông tại các nút giao làm giảm hiệu quả hoạt động của tuyến bus nhanh BRT. Trong đó, một số nút giao xe bus BRT đi qua thường xuyên ùn ứ như Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến, Tố Hữu - Trung Văn, Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh. Đối với nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến do đang rào chắn để phục vụ thi công hầm chui Lê Văn Lương, diện tích mặt đường bị thu hẹp trong khi lưu lượng phương tiện lớn.

Do vậy, Sở GTVT Hà Nội đề xuất phối hợp với Ban Quản lý dự án công trình giao thông TP Hà Nội điều chỉnh, tổ chức giao thông cục bộ khu vực thi công để cải thiện thi công.

Hà Nội đề xuất cho xe khách, bus thường đi vào làn BRT - Ảnh 1.

(Ảnh: Dân trí)

Nút giao Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh ùn ứ do lưu lượng phương tiện giao thông tham gia lớn, nhu cầu phương tiện rẽ trái từ Tố Hữu vào Vũ Trọng Khánh rất cao. Hiện đã tổ chức lại giao thông thí điểm từ ngày 18/6, Sở GTVT Hà Nội sẽ theo dõi và điều chỉnh cho phù hợp.

Với nút giao Tố Hữu - Trung Văn, tình trạng ùn tắc do lưu lượng phương tiện cao, từ khu vực nút giao Trung Văn. Hiện, Sở GTVT Hà Nội đang chờ được phân bổ kinh phí để xén mở rộng mặt đường từ nút giao Trung Văn đến Vũ Trọng Khánh; điều chỉnh điểm quay đầu và xén hè mở rộng lòng đường khu vực tòa nhà Bắc Hà.

Theo phương án phân luồng hiện tại, tuyến bus BRT chạy trên làn riêng tại các đoạn: Ba La - Quang Trung - Lê Trọng Tấn - đường trục Bắc Hà Đông - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ. Các đoạn đi hỗn hợp với các phương tiện khác gồm đoạn bến xe Yên Nghĩa - Ba La, đoạn Giang Văn Minh - Kim Mã.

Tuyến xe bus nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14,7 km, có tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD. Dọc tuyến có 21 nhà chờ, 10 cầu vượt cho người đi bộ ra giữa đường đón xe. Xe BRT gồm 35 chiếc (mỗi chiếc trên 5 tỉ đồng), sức chứa 90 hành khách; vận doanh 22 xe ngày bình thường và 16 xe ngày Chủ nhật. Cuối tháng 12/2016, tuyến xe bus nhanh BRT 01 đầu tiên của Hà Nội chính thức đi vào hoạt động.

Xe bus nhanh BRT: Bi kịch từ sự nửa vời Xe bus nhanh BRT: Bi kịch từ sự nửa vời Bus nhanh BRT - Giá quá đắt cho một thử nghiệm thất bại Bus nhanh BRT - Giá quá đắt cho một thử nghiệm thất bại Hà Nội nghiên cứu mở rộng hoạt động của xe bus nhanh BRT Hà Nội nghiên cứu mở rộng hoạt động của xe bus nhanh BRT

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước