Đem những mái ấm khang trang và bình yên tới người dân nghèo

Mạnh Hùng, Tài Vũ, Minh Quang - Vũ Anh-Thứ sáu, ngày 01/11/2024 15:41 GMT+7

VTV.vn - Trên toàn quốc, việc xóa bỏ nhà tạm và nhà dột nát là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần sự chung tay của mọi thành phần xã hội.

Trên cả nước hiện vẫn còn khoảng 170.000 hộ nghèo và cận nghèo chưa được hỗ trợ, phải sống trong những căn nhà tạm bợ, dột nát. Cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai và biến đổi khí hậu, khi những ngôi nhà đơn sơ không đảm bảo an toàn. Hầu hết các hộ này tập trung ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Với điều kiện kinh tế khó khăn, họ không có khả năng tự cải thiện nhà ở.

Tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, bà Phạm Thị Phòng sống trong một căn nhà đã xuống cấp trầm trọng. Bà cho biết: "Nó bị dột nát rồi, chẳng biết làm sao. Mưa gió vùng nào thì che chắn vùng đó, bà yếu rồi, không làm được gì nữa." Bố của cô bé Hoài Thu đã mất sớm, mẹ không còn bên cạnh, cô sống cùng bà và ước ao có một căn nhà để có chỗ học tập.

Bà Phòng tâm sự: "Căn nhà nhỏ thì cũng phải làm nhỏ, để cho có chỗ cho cháu nó đi học." Ước mơ về một mái ấm để che nắng mưa đã trở thành gánh nặng trong suốt hơn 10 năm qua.

Tình cảnh không khá hơn ở nhà bà Nguyễn Thị Thúy, cũng tại Thanh Hóa. Bà Thúy cho biết: "Ông bà chỉ có hôm nào nắng thì tráng bánh khô. Hôm nào mưa thì nghỉ, chứ giờ không làm được gì nữa vì ông đã 73 tuổi, còn bà thì 71." Những ngôi nhà mà lẽ ra là nơi ấm áp, giờ đây trở thành nỗi lo trước mỗi mùa mưa bão.

Chị Trịnh Thị Hường cũng chia sẻ nỗi khổ: "Ở trong nhà này mỗi khi mưa gió thì cũng giột, ngủ không ngon giấc." Bếp hư hỏng khiến sinh hoạt khó khăn, và giấc mơ về một căn nhà khang trang dường như ngày càng xa vời.

Vì khó khăn, miếng ăn còn đôi khi chẳng đủ, nên giấc mơ về một căn nhà trở nên xa vời với những hộ gia đình này.

Đem những mái ấm khang trang và bình yên tới người dân nghèo - Ảnh 1.

Cùng chung tay xóa nhà tạm, dột nát

Trên toàn quốc, các địa phương đang xem việc xóa bỏ nhà tạm và nhà dột nát là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần sự chung tay của mọi thành phần xã hội. Tại huyện Ngọc Lặc, một trong 11 huyện miền núi khó khăn của tỉnh Thanh Hóa, có 572 hộ cần hỗ trợ xây mới và 66 hộ cần sửa chữa nhà. Ông Bùi Huy Toàn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, cho biết trong đợt 1 đã vận động được 5,5 tỷ đồng và nhận thêm 1,8 tỷ từ tỉnh, giúp 115 hộ khởi công.

Mỗi hộ nghèo được hỗ trợ 80 triệu đồng, nhưng khả năng vay vốn là khó khăn. Huyện Ngọc Lặc đã áp dụng cách làm sáng tạo, kêu gọi sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, tổ chức xã hội và cộng đồng, kết hợp với lực lượng thanh niên, phụ nữ, nông dân để góp công sức xây dựng nhà.

Tại huyện Thọ Xuân, từ khi phát động, huyện đã kêu gọi được 7,7 tỷ đồng và giúp đỡ các huyện khác. Ông Thái Xuân Cường, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, thông báo rằng có 101 hộ đủ điều kiện hỗ trợ, trong đó 65 hộ đã khởi công và 19 hộ hoàn thành. Huyện đặt mục tiêu hoàn thành 50% vào ngày đại đoàn kết toàn dân trong năm 2024 và 100% trước Tết 2025.

Từ mục tiêu kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp, ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít, tạo phong trào, xu thế vì người nghèo, vì phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát. Cả tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện rất tốt công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Đem những mái ấm khang trang và bình yên tới người dân nghèo - Ảnh 2.

Niềm vui những ngôi nhà mới

Trên hành trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, niềm vui rạng rỡ trên gương mặt của người dân và những câu cảm ơn chân thành. Sau nhiều năm sống trong khó khăn, giờ đây, họ đã có được mái ấm kiên cố, một khởi đầu mới cho gia đình nhỏ của mình.

Gia đình ông Tạ Quang Tiến ở huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, đã chờ đợi ngày khởi công ngôi nhà mới của mình. Ông vui mừng chia sẻ: "Nhận được thông tin xây nhà, tôi rất là vui mừng. Suốt đời tôi mơ ước có một ngôi nhà khang trang, đẹp đẽ, sạch sẽ." Cảm xúc ấy cũng được bà Nguyễn Thị Thúy thể hiện: "Còn 3 tháng nữa là làm xong, gia đình sẽ ăn Tết rất vui mừng."

Bà Bùi Thị Đàn, cũng ở huyện Ngọc Lặc, không giấu nổi niềm phấn khởi khi gia đình bà được hỗ trợ xây nhà mới: "Trước đây, nhà tôi toàn giột nát. Bây giờ được hỗ trợ, tôi rất mừng, không còn gì vui bằng."

Tại huyện Mường Lát, người dân vận chuyển vật liệu xây dựng bằng xe gắn máy và đi bộ, với sự giúp đỡ của bạn bè, để có được ngôi nhà mới. Anh Giàng A Say cho biết: "Hàng ngày đi nhiều chuyến, nhưng vui vì nhà nước giúp đỡ cho mình có nhà mới."

Từ miền xuôi lên miền ngược, từ đồng bằng tới hải đảo xa xôi, địa phương nào cũng tích cực triển khai với nhiều cách làm hay, sáng tạo, tất cả với mục tiêu chung là đem đến những mái ấm khang trang và bình yên cho những hộ gia đình nghèo, để không ai bị bỏ lại phía sau.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước