Vài năm gần đây, du lịch vùng cao được nhiều người ưa chuộng bởi xu hướng tìm về những vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên và con người.
Theo quy hoạch tổng thế phát triển du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2030, nơi đây sẽ trở thành điểm nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia, quốc tế, thu hút khoảng 8 triệu du khách. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, Sa Pa cần phải quyết tâm và tập trung cao độ bởi địa phương này đang phải đối mặt với nhiều vấn đề: cơ sở hạ tầng, giao thông, sức chứa, vấn đề xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, đặc biệt là tư duy làm du lịch của đồng bào vùng cao.
Dẹp bỏ nạn người già, trẻ em đeo bám du khách ở Sa Pa
Trong những ngày đầu tiên của năm mới Quý Mão 2023, hàng ngàn du khách đã đổ về Sa Pa để tận hưởng không khí xuân của "thành phố trong sương". Nhưng đáng chú ý, tình trạng hàng rong đeo bám chèo kéo du khách tiếp tục tái diễn. "Đội quân" hàng rong chủ yếu là người già, trẻ em. Đặc biệt đáng lo ngại là trẻ em ngày càng nhỏ tuổi, thời gian làm việc ngày càng muộn.
Ghi nhận của phóng viên, 6h sáng tại trung tâm thị xã Sa Pa, bà cõng cháu, chị cõng em, bắt đầu công việc bán hàng rong. Dù khách đã từ chối nhưng người bà này vẫn liên tục thuyết phục và giơ những chiếc móc khóa lên đến 5 lần 7 lượt.
Tối đến, thời tiết giá rét khiến những đứa trẻ càng trở nên tội nghiệp và gây khó chịu với các du khách. Nhiều em mới chỉ 3 - 5 tuổi mà phải làm việc đến tận 11 - 12h đêm.
Những khuôn mặt trong trẻo, những bộ trang phục truyền thống của các em bé vùng cao vốn được xem như một đặc trưng tạo nên sức hút của Sa Pa, nay lại đang được các bố mẹ tận dụng, gây ra những tổn hại cho hình ảnh địa phương. Hơn thế, việc lợi dụng trẻ em lang thang bán hàng rong kiếm tiền là một hành vi vi phạm pháp luật.
Chị Lê Thị Ngân Giang - Du khách đến từ Hải Dương chia sẻ: "Mình thấy các em rất đáng yêu nhưng cũng rất đáng thương, bởi các em đang bị bóc lột sức lao động. Thời tiết rất lạnh, nhìn các em có em chân đất, có em chân trần lại phải bế em nhỏ".
Anh Phạm Văn Thương - Phường Hàm Rồng, Thị xã Sa Pa, Lào Cai cho biết: "Các mẹ của các bé đưa các bé lên đây để đi xin ăn, lấy lòng thương để dụ dỗ du khách mua hàng từ những vật nhỏ. Các bé không được đi học mà phải đi xin ăn".
Tình trạng này diễn ra nhiều đến nỗi UBND phường đã phải thành lập một tổ chuyên trách chống chèo kéo đeo bám du khách, làm việc cả ngày lẫn đêm.
Những du khách đến đây vì tình yêu với trẻ vùng cao nhưng lại được khuyến cáo phải làm ngơ trước các em nhỏ. Chừng nào còn chưa thay đổi được tư duy của người dân thì những đứa trẻ vẫn sẽ tiếp tục bị lạm dụng ngay cả khi bị nhắc nhở.
Cải thiện cảnh quan môi trường tại Sa Pa
Du lịch phát triển nhanh đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương này. Tuy nhiên, đi liền với đó là lượng rác thải từ hoạt động du lịch tiếp tục tăng nhanh, khiến cho môi trường ở đây chịu một sức ép vô cùng lớn.
Trung bình mỗi ngày, thị xã Sa Pa thải ra 20,44 tấn rác thải vô cơ và 8 tấn rác thải hữu cơ. Số rác thải vô cơ sẽ được xử lý bằng cách chôn lấp tại bãi rác ở xã Ngũ Chỉ Sơn, cách trung tâm 12km. Còn 8 tấn rác thải hữu cơ được chuyển về nhà máy xử lý rác thải ở Lào Cai để làm thành phân mùn.
Điều đáng lo ngại là điểm tập kết rác của cả thị xã lại ở vị trí ngay cạnh con đường tình yêu - một điểm tham quan của trung tâm du lịch Sa Pa.
Rác vứt bừa bãi ở các bụi cây, trôi nổi trên một góc hồ và ở dòng nước suối. Điều này không những tạo ra hình ảnh chưa đẹp về Sa Pa, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của du khách.
Chị Lưu Thị Mận - Du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh nhận xét: "Ở đây đặc điểm là khu du lịch, mà du lịch thì phải trong lành, sạch sẽ. Nhiều rác quá sẽ ảnh hưởng tới khách du lịch tới tham quan".
Anh Phạm Xuân Hiếu - Du khách đến từ Hà Nội thì cho biết: "Thực sự tôi thấy hơi phản cảm, mong muốn mỗi du khách có ý thức để Sa Pa trở nên đẹp hơn".
Tốc độ phát triển du lịch nhanh cũng đồng nghĩa với việc gây ra những tác động xấu tới môi trường. Vì thế càng cần ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, để những đứa trẻ được hưởng bầu không khí trong lành.
Sa Pa nỗ lực giải quyết bất cập về cơ sở hạ tầng, giao thông và chất lượng du lịch
Để đạt mục tiêu có 4,5 triệu lượt khách vào năm 2025 và 6 triệu lượt khách đến năm 2030, Sa Pa đang nỗ lực giải quyết các bất cập về cơ sở hạ tầng, giao thông và chất lượng du lịch. Làm sao để dù đông khách, nơi đây vẫn giữ được nét nguyên sơ trong lành đặc trưng của miền núi, làm sao để sự phát triển của du lịch sẽ đi đôi với việc cải thiện đời sống của người dân. Làm sao để đổi mới nhưng vẫn giữ được những bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Ông Tô Ngọc Liễn - Chủ tịch UBND Thị xã Sa Pa, Lào Cai cho biết: "Riêng điểm tập kết rác, do Sa Pa hiện đang trong quá trình xây dựng, rà soát quy hoạch đầu tư, do vậy chúng tôi đang, đã, sẽ đầu tư một số trạm trung chuyển rác để đảm bảo môi trường, đặc biệt ưu tiên trung tâm đô thị. Phấn đấu chậm nhất là đến năm 2024 sẽ xử lý được việc này.
Sa Pa đang hết sức nỗ lực tập trung nguồn lực từ Trung ương, tỉnh, đặc biệt từ địa phương. Tuyến đường nào có thể mở rộng được thì tập trung mở rộng quy mô mặt đường, vỉa hè, hành lang. Ngoài ra, chúng tôi đang rà soát các điểm đậu đỗ xe, đặc biệt các bến xe để trong khu vực nội thị sẽ có những điểm đỗ xe để giảm thiểu việc xe đậu trên đường như hiện nay".
Bà Hoàng Thị Vượng - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin Thị xã Sa Pa, Lào Cai chia sẻ: "Trước mắt sẽ giao cho các xã phường tìm hiểu nhu cầu về sinh kế, ví dụ bà con muốn đào tạo để có thêm cơ hội việc làm, hay muốn phát triển nghề thổ cẩm, hoặc muốn có địa điểm bán hàng ổn định, hoặc tham gia vào các nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Ví dụ như làm hướng dẫn viên hoặc phục vụ buồng phòng, lái xe, thì chúng tôi sẽ cung cấp các dịch vụ tương ứng để đào tạo nghề, bố trí việc làm, bố trí địa điểm làm việc.
Chúng tôi sẽ hỗ trợ cộng đồng các dân tộc thiểu số, ưu tiên xây dựng 5 điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu gắn với bản sắc văn hóa dân tộc của 5 dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã Sa Pa".
Người dân bản địa phát triển du lịch nhà vườn
Trong giai đoạn này, Sa Pa đang ưu tiên xây dựng 5 điểm du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN gắn với đặc trưng 5 dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã gồm: Mường Hoa gắn với văn hóa dân tộc Mông, Bản Hồ gắn với văn hóa dân tộc Tày, Tả Phìn gắn với văn hóa dân tộc Dao, Liên Minh gắn với văn hóa dân tộc Xa Phó, Tả Van gắn với văn hóa dân tộc Giáy. Tận dụng điều kiện tự nhiên mà thiên nhiên ban tặng, nhiều mô hình nhà vườn đã được phát triển để kéo đồng bào vào cùng tham gia làm du lịch nông nghiệp bền vững.
Tại bản Tả Phìn, khi sắc đào bung nở cũng là lúc công việc của những công nhân tại đây trở nên bận rộn. Khu sinh thái vườn đá Tả Phìn là sản phẩm dịch vụ du lịch đạt chuẩn OCOP 4 sao đầu tiên của tỉnh Lào Cai. Đây là thành quả của đồng bào người Dao tại địa phương.
Vườn đá Tả Phìn (Ảnh: laocaitourism.vn)
Nếu như trước đây chỉ làm ruộng nương với thu nhập không ổn định thì 5 năm nay, chị Sùng Thí Chúng đã có một công việc mới với thu nhập 6 - 7 triệu ở vườn dâu tây. Trang trại có diện tích 2,5 ha, gồm 7 vườn đã tạo việc làm cho gần 30 công nhân đều là người bản địa.
Những ý tưởng xuất phát từ tình yêu quê hương đi cùng sự nỗ lực đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, không chỉ giúp đời sống của dân bản địa được cải thiện, mang lại những trải nghiệm đặc biệt cho du khách, mà còn góp phần thay đổi diện mạo của du lịch vùng cao một cách tích cực hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!