Thế giới khó kiểm soát COVID-19
Những số liệu gia tăng nhanh chóng là minh chứng cho diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Số ca nhiễm trên toàn cầu hiện đã vượt qua mốc 14,6 triệu, trong khi số ca tử vong là trên 600.000 người.
Mỹ và Brazil đang đứng vị trí số 1 và số 2 thế giới cả về số ca mắc COVID-19 và số ca tử vong do bệnh này. Mỹ hiện ghi nhận hơn 3,8 triệu ca mắc COVID-19 (tăng hơn 56.000 trường hợp sau khoảng 24 tiếng) và hơn 143.000 ca tử vong do bệnh này (tăng hơn 400 ca sau khoảng 24 tiếng). Trong khi đó, Brazil ghi nhận hơn 2 triệu ca mắc COVID-19 và gần 80.000 ca tử vong do bệnh này.
Số ca mắc COVID-19 tại Mỹ vẫn tăng nhanh. Ảnh minh họa: Reuters.
Mặc dù đang bước vào giai đoạn mở cửa thứ 2, nhưng Ấn Độ lại đang là ổ dịch COVID-19 lớn nhất của châu Á, và là nước thứ 3 trên thế giới ghi nhận số ca nhiễm bệnh ở mức 7 chữ số. Tình hình mưa lũ khiến người dân phải đi sơ tán, không thể thực hiện giãn cách xã hội càng đe dọa nguy cơ bùng phát mạnh dịch COVID-19 ở nước này.
Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) ban đầu thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, 2 tuần qua, số ca nhiễm COVID-19 liên tục tăng mạnh. Hôm qua ghi nhận 108 ca nhiễm COVID-19 mới - mức tăng kỷ lục kể từ khi dịch bùng phát tại đây. Trưởng đặc khu này, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga thừa nhận tình hình hiện nay vô cùng nghiêm trọng và không có dấu hiệu nào cho thấy dịch bệnh đang được kiểm soát.
Các bác sĩ đang lo ngại về nguy cơ không thể xác định nguồn lây lan virus, khiến nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trở nên rất khó khăn.
Còn tại Đông Nam Á, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến đáng báo động ở Indonesia và Philippines, với lần lượt hơn 86.000 và hơn 67.000 bệnh nhân COVID-19.
Theo ông Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng, các con số trên cho thấy tốc độ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 rất khủng khiếp.
Khi mới xuất hiện dịch bệnh COVID-19, các chuyên gia đã từng nhận định dịch sẽ chỉ diễn ra trong vòng 3 tháng, nhưng hiện nay đã gần hết tháng 7 dịch không giảm mà còn diễn ra phức tạp hơn. Ông Trần Đắc Phu cho rằng nhận định này chưa đúng vì đây là bệnh mới, thông tin về bệnh hoàn toàn chưa có nên những đánh giá, dự đoán sai khiến các nước chủ quan với việc phòng bệnh và giao lưu đi lại. Đó là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan nhanh và rộng hơn.
Với việc mở lại một số chặng bay quốc tế, ông Trần Đắc Phu cho rằng đó là cần thiết với các chuyên gia, lao động nước ngoài để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, với lĩnh vực du lịch, ông Phu khuyến cáo tạm thời nên cân nhắc kỹ việc mở cửa.
Nhiều đối tượng trốn cách ly
3 công dân trốn trong hầm xe nhập cảnh vào Việt Nam sáng 5/7.
Việc phòng chống hiệu quả COVID-19 có một phần rất quan trọng vào ý thức của người dân, tuy nhiên, gần đây, xuất hiện nhiều trường hợp khi nhập cảnh vào Việt Nam qua các cửa khẩu đường bộ đã trốn kiểm tra y tế và cách ly.
3 đối tượng này nhập cảnh từ Lào về Việt Nam. Cửa khẩu họ đi qua là Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Hà Tĩnh. Để tránh kiểm tra y tế và cách ly theo quy định, 3 người này đã liên hệ với nhà xe xin được trốn trong hầm xe. Vụ việc phát hiện ngày 5/7.
Còn tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị, nhiều người đã lội qua sông, trốn trong hầm xe để tránh cách ly y tế khi nhập cảnh về nước. Người đàn ông này thì chọn cách trốn trong tủ lạnh.
Tại Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, 1 đối tượng trốn cách ly bằng cách chui vào thùng xốp trên xe chở hàng.
Trong khi đó, 21 người Trung Quốc bỏ chạy khỏi một biệt thự du lịch ở tỉnh Quảng Nam khi bị cơ quan chức năng vào kiểm tra đã được đưa vào cách ly, rất may là các mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.
Đến nay, Việt Nam đã qua 95 ngày không có ca lây nhiễm cộng đồng, tuy nhiên, Việt Nam không nên chủ quan vì một số nước sau một thời gian tạm lắng đã bùng phát làn sóng dịch COVID-19 thứ hai. Do đó, Việt Nam vẫn cần tăng cường kiểm soát dịch bệnh COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!