Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, tính từ đầu năm 2022 đến hết ngày 12-6, cả nước ghi nhận 52.572 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 29 trường hợp tử vong tại 11 tỉnh, thành phố. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc SXH tăng 74,9% và số tử vong tăng 24 trường hợp.
Tại Hà Nội, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố cho biết, trong tuần qua (từ ngày 6 đến 12-6), trên địa bàn ghi nhận 18 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 10 quận, huyện: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Chương Mỹ, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Sóc Sơn. Cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, Hà Nội có 93 ca mắc SXH, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, CDC Hà Nội nhấn mạnh, không thể chủ quan với dịch bệnh này. Thông thường theo khuyến cáo, cứ 5 năm, SXH lại bùng lên thành dịch một lần. Dịch SXH lớn nhất gần đây là vào năm 2017. Theo chu kỳ thì năm 2022, SXH có thể lại gây ra trận dịch lớn vào năm nay.
Mặt khác, tuy số mắc giảm nhưng ở Hà Nội gần đây ghi nhận nhiều ca SXH biến chứng nặng.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp - Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, thời tiết tại phía bắc năm nay rất thất thường nên có thể dịch bệnh SXH tại Hà Nội sẽ bùng muộn hơn, vào khoảng tháng 7, tháng 8. Do đó, người dân tuyệt đối không được chủ quan.
Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, một số cơ sở y tế đã tiếp nhận các trường hợp mắc hội chứng viêm đa hệ thống hậu COVID-19 kèm theo bệnh SXH. Trẻ từng mắc COVID-19 trước đó nếu mắc SXH thì khả năng bị sốc và biến chứng cao hơn nhóm chưa từng nhiễm COVID-19.
Quá trình điều trị cho các trường hợp này cũng rất khó khăn. Các bác sĩ phân tích, khi viêm đa hệ thống hậu COVID-19 sẽ được điều trị chống viêm bằng corticoid hoặc dùng thêm các thuốc chống đông. Trong khi đó, corticoid và thuốc chống đông lại không được phép sử dụng trong điều trị SXH vì những loại thuốc này có thể khiến tình trạng xuất huyết nặng hơn gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
Để phòng chống dịch và hạn chế thấp nhất số ca nặng, tử vong, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị trong ngành thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho người bệnh nhận biết về bệnh SXH, các dấu hiệu cảnh báo nặng cần tái khám ngay và thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phun, diệt muỗi, phòng muỗi đốt.
Đồng thời, củng cố duy trì hoạt động của "Nhóm điều trị SXH" và "Đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch SXH" tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!