Tại các nơi mà du lịch đã được kích hoạt trở lại, các môn thể thao mạo hiểm cũng được một số người lựa chọn, đặc biệt là các bạn trẻ. Tuy nhiên, đúng như tên gọi, nó luôn tiềm ẩn những rủi ro. Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra, ở cả trong nước và quốc tế.
Chỉ ít ngày trước, nữ thanh niên leo núi người Pháp đã qua đời ở tuổi 16, trong sự tiếc thương của cộng đồng leo núi. Cô đã té ngã ở độ cao 150m từ vách núi dãy Alps trong khi cố gắng vượt qua một đoạn đường cheo leo.
Mới đây, một tai nạn dù lượn đáng chú ý cũng đã được ghi nhận tại Festival dù lượn "Bay trên mùa nước đổ", tổ chức tại huyện Mù Cang Chải, Yên Bái. Trong lúc cất cánh cùng chiếc dù lên độ cao khoảng 20m, nam phi công người Nga bất ngờ lượn dù sai hướng, sai kỹ thuật, khiến người này rơi tự do xuống vực và bị chấn thương.
Cách đây gần 1 tháng, vào ngày 24/5, Xuân Hoàng, 28 tuổi đã qua đời khi tham gia trải nghiệm bay đôi dù lượn tại xã Quang Tiến, thành phố Hòa Bình.
Theo Nghị định số 168 của Chính phủ (năm 2017) quy định chi tiết một số điều của Luật du lịch: Bay dù lượn là sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch.
Điều 9 của Nghị định này cũng quy định rõ ràng các biện pháp bảo đảm an toàn nhưng trong thực tế áp dụng ở nhiều nơi, việc đảm bảo an toàn cho người chơi vẫn còn đang lỏng lẻo.
Việc tiếp cận với một số điểm hoạt động dù lượn cho thấy nhiều bất cập trong đảm bảo an toàn cho người chơi, đặc biệt là trong bay đôi như không xin phép, không phương án cứu hộ… nhưng nhiều cá nhân, đoàn thể đang kinh doanh trái phép bay đôi dù lượn.
Bay dù lượn ở Yên Bái. Ảnh minh họa.
Ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Hội Dù lượn TP Hà Nội cho biết Hội không cho bất cứ phi công nào bay đôi thương mại và dịch vụ và hiện cũng chưa có bất cứ một quy định nào về việc này.
Không quy định trong luật nghĩa là không cho phép nhưng cũng không cấm. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho những đơn vị mở dịch vụ bay đôi dịch vụ. Trước khi tham gia, khách du lịch sẽ được mua bảo hiểm tai nạn có ghi rõ: Tự nguyện tham gia và miễn trừ mọi trách nhiệm cho đơn vị tổ chức. Đánh vào tâm lý muốn bay lượn tự do ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên của những người thích cảm giác mạo hiểm, nhiều du khách dễ dàng đăng ký tham gia trải nghiệm mà không để ý tới sự an toàn của bản thân.
Theo tiêu chuẩn của Hiệp hội dù lượn trên thế giới, có hai hình thức phi công bay đôi huấn luyện và thương mại. Phi công thương mại phải đạt tiêu chuẩn IPPI 5 và ít nhất 250 giờ bay, hơn 100 giờ bay đôi huấn luyện. Hiện nay số phi công đạt tiêu chuẩn P5 - tiêu chuẩn đầu tiên, ở Việt Nam chưa đến 10 người.
Việt Nam hiện có khoảng hơn 200 phi công, chỉ 5% trong số đó đạt điều kiện tối thiểu bay đôi thương mại. Cũng theo ông Thắng, trên cả nước hiện chỉ có khoảng 7 đơn vị dù lượn được cấp phép hoạt động một cách chính thức.
Tuy nhiên, hàng năm trên cả nước, các lễ hội dù lượn vẫn thu hút hàng chục ngàn du khách trong và ngoài nước tham gia trải nghiệm bay. Đã đến lúc, hành lang pháp lý cần được xây dựng để cụ thể hóa những quy định an toàn bay đôi dù lượn, đặc biệt là tiêu chuẩn cho phi công.
Nhiều địa điểm du lịch trên thế giới mỗi năm có chục ngàn người đến để bay trải nghiệm dù lượn. Không thể phủ nhận sức hút của môn thể thao mạo hiểm này nhưng trước khi phát triển dù lượn trở thành hình thức quảng bá du lịch quốc gia, chúng ta cần biết khai thác một cách đúng cách và an toàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!