Dưới cái nắng gắt của mùa hè, diêm dân phải “phơi mình” giữa cánh đồng không một bóng cây để làm ra hạt muối quý
Để làm ra những hạt muối trắng tinh khôi, diêm dân vất vả là thế, nhưng giá trị kinh tế lại rất thấp, nên nhiều người đã vì gánh nặng áo cơm mà từ bỏ nghề gia truyền đi làm thuê kiếm sống…
Niềm vui dưới cái nắng nóng trên 40 độ C
Trong những ngày đầu của mùa hè, ngoài trời có những buổi trưa nhiệt độ vượt quá 40 độ C, cỏ cây đều khô héo vì cái nắng như đổ lửa mọi người tìm chỗ tránh nắng. Lúc này lại là điều kiện thuận lợi nhất cho vụ mùa bội thu của bà con ở xã Tam Hòa; xã Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) ra đồng sản xuất muối.
Dưới cái nắng nóng như đổ lửa hắt xuống nền bê tông khô khốc, phảng phất hơi muối mặn, không một bóng cây mà hình ảnh diêm dân chỉ loang loáng kính sáng khi nhìn từ xa, là hình ảnh cụ ông Nguyễn Văn Tuấn (người ở thôn Nam Tiến), ông nói: "Nghề làm muối cơ cực lắm, giữa trưa mọi người tranh thủ đi ngủ trưa hay nghỉ ngơi lại là lúc chúng tôi làm việc căng thẳng nhất. Tranh thủ cái nắng gắt nhất trong ngày, chúng tôi ra ruộng dẫn nước về phơi nắng. Nắng nóng sẽ làm nước biển bốc hơi và để lại muối, nắng càng to thì tỷ lệ thành phẩm càng cao, muối càng trắng và độ tinh khiết cũng càng đạt. Khác với các ngành nghề khác, nghề làm muối biển truyền thống quê tôi, mỗi độ vào mùa mỗi độ trời nắng gay gắt lại là những ngày chúng tôi vui mừng thắng vụ…!".
Để làm ra được hạt muối trắng tinh khôi, thứ “ngọc” được chắt ra từ biển cả, Diêm dân phải chịu nhiều khó khăn vất vả.
Bà Nguyễn Thị Hoa năm nay ngoài 50 tuổi cũng đã có thâm niên trên 30 năm làm muối truyền thống. Bà tranh thủ lúc nắng nóng để cào muối thành những đống nhỏ giữa cánh đồng muối trắng tinh khôi óng ánh của thôn Nam Tiến.
"Biết là nắng nóng vất vả nhưng nắng càng to hạt muối càng trắng tinh, hạt đẹp, chất lượng muối cũng tốt hơn. Cánh chúng tôi sinh ra và lớn lên từ những hạt muối trắng như vậy, nên cho đến tận bây giờ khi tuổi đã sang bên kia sườn dốc của cuộc đời cũng không thể nào rời xa nó được…!" dùng chiếc khăn đã xỉn màu lau vội giọt mồ hôi lăn vội trên trán - bà Hoa tâm sự.
Một đại diện của Hợp tác xã Muối Tam Hòa (xã Hòa Lộc) cho biết: "Nắng nóng là điều kiện khá thuận lợi để tạo ra hạt muối, nên đấy cũng là lúc bà con diêm dân tranh thủ ra đồng làm muối. Nghề làm muối gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên và thời tiết, chỉ có những hôm trời nắng nóng không khí khô ráo mới làm được muối. Bởi vậy, ngoài việc cực nhọc vất vả như nghề làm nông nghiệp ra thì diêm dân còn phải chịu cảnh nóng bức của tiết trời và thời điểm gieo vụ là vào giữa trưa nắng…".
Để có được những hạt muối trắng tinh mang hương vị mặn mòi được xem là hạt ngọc của biển, người diêm dân phải vất vã lao động dưới cái nắng nóng giữa buổi trưa hè: Đầu tiên là xử lý nền đất cho thật chặt, láng đều và thật bằng phẳng để hạn chế tối đa nước biển thấm xuống nền và tạo cặn khi nạo muối. Tiếp theo là công đoạn phơi cát đã được ngâm nước biển, khi cát khô, trên từng hạt cát sẽ kết tinh những hạt muối nhỏ, người ta dùng xẻng xúc cát đã được phơi khô vào các hố và nén thật chặt. Sau đó, đổ nước biển vào và lắng lấy nước muối. Cuối cùng là đổ nước muối đã được lắng kỹ vào nền ruộng xi-măng. Sau khi phơi gần một ngày, muối sẽ lên hạt thì cũng là thời điểm thu hoạch của diêm dân.
Khó bám trụ với nghề
Nghề làm muối truyền thống hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, thời tiết và vất vả nhưng bù lại thì vốn đầu tư ít, hầu như bỏ công sức lao động là chính, bởi vậy đa phần diêm dân đều có hoàn cảnh khó khăn. Nghề làm muối gian nan, cực khổ là vậy, nhưng giá trị kinh tế mang lại của nghề lại rất thấp, nên trong vòng mấy năm trở lại đây, làng nghề này điêu đứng vì muối mất giá, lại chịu sự cạnh tranh của muối công nghiệp.
Trước đây, cuộc sống vốn khó khăn nhưng mỗi kg muối trắng sau bao vất vả làm ra được mang đi bán lấy tiền mua gạo trắng ăn qua ngày cũng đỡ được phần nào chi tiêu trong mỗi gia đình diêm dân. Nhưng nay thì có sự xuất hiện của các hãng muối công nghiệp, đa dạng về chủng loại, hương vị và giá thành cũng vì thế giảm dần. Cũng từ đó, thành quả mang lại từ lao động nghề muối không đảm bảo được ngày công cuộc sống của diêm dân vốn cơ cực, nay trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Chị Nguyễn Thị Liên (một diêm dân phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn) chia sẻ: "Các chú tính chứ làm ra hạt muối cực nhọc là vậy, mà bán ra giờ có khi còn không mua nổi bó rau. Trong khi các cửa hàng tiện lợi hay gian hàng tạp hóa họ bán nhiều loại muối như i ốt; muối mì tôm; muối trắng công nghiệp Việt Quang… nên bà con diêm dân ở đây thường bỏ nghề đi làm thuê, người thì làm phụ hồ xây dựng, hay ra thành phố kiếm việc bốc vác để lấy tiền về chăm lo cuộc sống gia đình. Đồng muối bỏ hoang, nếu có nhà nào có điều kiện chuyển đổi công việc cần số diện tích nhiều thì họ thuê lại. Cũng vì cuộc sống khó khăn, nên nghề làm muối cũng mai một dần và giờ thì ít người làm lắm..!".
Nhiều người đã không thể trụ lại với nghề làm muối truyền thống, bỏ đi làm thuê để lo cuộc sống.
Ông Đỗ Xuân Chung (Chủ tịch UBND phường Hải Thanh, Thị xã Nghi Sơn) chia sẻ: "Công việc vất vả, anh em tính xem giữa trưa nắng nóng như đổ lửa mọi người tìm chỗ mát mẻ nghỉ ngơi, thì diêm dân lại phải lao ra giữa cánh đồng muối không một bóng cây che với những ngư cụ trên tay. Ấy vậy mà muối làm ra lại không bán được. Để cố bám trụ với nghề, thấy cánh đồng muối để không, có những gia đình phải bán đất ở của gia đình rồi thuê đất làm muối mong cải thiện đời sống khó khăn, nhưng rồi lại rơi vào vòng luẩn quẩn của cái sự nghèo khó. Vì có những thời điểm muối thu hoạch được nhiều, thì lại mất giá, còn không thì ngược lại và bị cạnh tranh bởi các công ty sản xuất muối công nghiệp. Bởi vậy mà diêm dân ở đây không còn thiết tha bám trụ với nghề nữa mà đi làm thuê kiếm ngày công về chăm lo cuộc sống, trang trải chi tiêu trong gia đình…!".
"Nghề muối chỉ làm được 6 tháng nắng, 6 tháng mưa thì nghỉ. Nhưng để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, nhiều nhà phải đi làm thuê kiếm thêm đồng tiền. Nghề làm thuê cũng vất vả đấy, nhưng sao có thể sánh với cái vất vả của nghề làm muối được? Nhiều người có về làm lại nghề muối, nhưng rồi cũng chỉ là làm cho bớt nhớ nghề mà thôi…!" - ông Chung cho biết thêm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!