Với người có ảnh hưởng, cảm xúc của cộng đồng mới đáng ngại nhất
Ở một góc nhỏ của Triển lãm di động toàn cầu diễn ra tuần này tại Barcelona, có một người đàn ông 94 tuổi đang mân mê chiếc điện thoại dài hơn 30 cm, nặng khoảng 1 kg. Ông tên là Martin Cooper - người đã thực hiện cuộc gọi đầu tiên từ một chiếc điện thoại cầm tay trên đường phố nước Mỹ cách đây tròn 50 năm. Cooper được ví như "cha đẻ" phát minh ra điện thoại di động, mở ra thời kỳ mà mỗi ông chồng đều có thể bị vợ gọi "Anh đang ở đâu?" vào bất kỳ lúc nào.
Gừng càng già càng cay, Martin Cooper nhìn chiếc điện thoại thời nay và nói: "Điều tiêu cực nhất là chúng ta không còn bất kỳ sự riêng tư nào nữa. Vì mọi thứ về chúng ta hiện đã được ghi lại ở một nơi nào đó và có thể truy cập được đối với những người có đủ mong muốn mãnh liệt để có được nó. Vì vậy, một lần nữa, chúng ta phải học cách thích nghi với điều đó".
Khi nhắc đến cụm từ "riêng tư", có lẽ nhiều người chờ đợi về drama của một nhân vật nổi tiếng nào đó. Ví dụ như David Alaba - thủ quân của đội tuyển Áo, hiện đang đá cho Real Madrid - người hứng bão chỉ trích, thậm chí miệt thị trong tuần này từ các cổ động viên. Chuyện là bởi Alaba đã bỏ phiếu cho Messi xếp trên Benzema - đồng đội của anh ở Real - trong cuộc bình chọn FIFA The Best. Cuối cùng, Messi chiến thắng, còn Alaba bị gọi là kẻ phản bội. Hoảng hốt khi thấy hậu quả lá phiếu của mình, Alaba liên tục thanh minh và chỉ biết tự trách: "Đã quá chủ quan khi nghĩ rằng bầu chọn cho ai là quyền riêng tư cá nhân".
Nếu sống ở Việt Nam, Alaba sẽ hoàn toàn yên tâm nếu tham gia bình chọn cho Quả bóng vàng - nơi mà mọi lá phiếu sẽ được giữ kín chứ không kiểu "riêng tư nửa vời" giống FIFA The Best. Nên dù có tranh cãi Tiến Linh hay Văn Quyết xứng đáng hơn như vài ngày qua, thì cũng không có ai trở thành nạn nhân bị trút giận. Câu chuyện này giúp chúng ta hiểu thêm rằng: Khi đã là người có tầm ảnh hưởng, dễ bị để ý, việc làm đúng hay sai đôi khi không quá quan trọng, góc nhìn và cảm xúc của cộng đồng mới là thứ đáng ngại nhất.
Đi vệ sinh công cộng phải "rình" giờ hành chính
Bên trong một nhà vệ sinh công cộng từng đạt chuẩn 4 sao đặt tại công viên 23/9, quận 1, TP Hồ Chí Minh, quá nửa số bồn vệ sinh nam đã tạm ngưng hoạt động, chằng chịt băng keo quấn trước bồn. Còn ở Hà Nội, 3h00 chiều trên phố Nguyễn Khang, nhà vệ sinh công cộng đã tạm đóng cửa bởi nhân viên trông giữ tại đây khóa cửa vì bận việc cá nhân. Một nhà vệ sinh cách bờ hồ Hoàn Kiếm khoảng 3km, thời gian sử dụng được niêm yết là từ 6h00 sáng đến 22h00 nhưng chưa đến 21h00, cánh cửa đã khóa. Một nhà vệ sinh khác trên phố Yên Phụ cũng đã đóng cửa từ lâu.
Hoàn cảnh này cũng giống như lúc đi thi game show mà gặp câu hỏi khó vậy. Chỉ có điều gọi điện hỏi người thân thì cũng vô ích. Hoặc là bạn chọn phương án 50/50 - 50 xui, 50 hên để tìm được một nhà vệ sinh công cộng còn mở cửa, hoặc nhờ sự trợ giúp ngay tại hiện trường, mà tệ nhất là từ mấy bụi cây hay bờ tường. Về lý thuyết, bạn sẽ bị phạt 250.000 đồng nếu lựa chọn cách tệ nhất này. Nhưng còn một câu hỏi phụ nữa có thể phát sinh nếu bạn chọn phương án tìm nhà vệ sinh công cộng. Câu hỏi đến từ chị lao công: "Em đã dội nước chưa?".
Đó là những lý do tại sao Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nằm ở vị trí 66 và 67 trong cuộc khảo sát 69 thành phố du lịch thế giới về điều kiện nhà vệ sinh công cộng do tổ chức QS Supplies của Anh công bố hồi đầu tháng 2. Với vị trí gần chót bảng này, tờ Nikkei Asia của Nhật còn viết: "Đường phố TP Hồ Chí Minh có mọi thứ mà khách du lịch mong muốn như thức ăn ngon, lịch sử kiến trúc sâu sắc, cuộc sống sôi động... Tất cả đều hấp dẫn, trừ nhà vệ sinh".
Trước những phàn nàn không phải lần đầu của du khách quốc tế, sáng 3/3, Chủ tịch TP Hồ Chí Minh đã một lần nữa phải đốc thúc việc làm thêm nhà vệ sinh công cộng, kể cả dạng lưu động và phải làm ngay, không bàn thêm nữa.
Thế mới thấy, dù chỉ là một nhu cầu hết sức riêng tư của mỗi cá nhân, nhưng để đáp ứng vẫn phải cần nguồn lực của cả tập thể.
Triệt phá ổ nhóm trộm cắp trong "Hội những người vỡ nợ muốn làm liều"
Internet cho phép chúng ta kết nối từ xa với nhau, còn mạng xã hội giúp những con người xa lạ dễ dàng tụ hợp để tìm thêm sức mạnh, thường chúng ta gọi đó là "hội". Khác với các hội thành lập theo kiểu truyền thống, "hội" ở trên không gian ảo có nhiều cái lạ. Một cái tên nổi lên tuần này là "Hội những người vỡ nợ muốn làm liều". Một số đối tượng tại Hà Nội sau khi làm liều vừa bị phát giác.
Ngang nhiên dùng xà cầy cậy cửa cuốn rồi đột nhập vào cửa hàng bán điện thoại, máy tính trên địa bàn xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội, nhóm đối tượng đã lấy đi 42 chiếc điện thoại iPhone 14 với trị giá ước tính hơn 1,2 tỉ đồng. Những hình ảnh camera an ninh ghi lại cho thấy, đối tượng đã mặc áo mưa, bịt khẩu trang, đeo găng tay… để xóa dấu vết và khó nhận dạng. Tuy nhiên, bằng nghiệp vụ của cơ quan công an, ổ nhóm gồm 5 đối tượng đã bị bắt giữ ngay sau đó. Các đối tượng này được xác định là đã gây ra hàng loạt vụ đột nhập trộm cắp tài sản tại nhiều cửa hàng, siêu thị điện máy… trên địa bàn các huyện Đông Anh, Mê Linh, Thanh Trì…
Dù gây ra nhiều vụ trộm cắp tại các địa bàn khác nhau nhưng một điểm chung ổ nhóm này đều là những thanh niên không có việc làm ổn định, cùng tham gia vào "Hội những người vỡ nợ muốn làm liều" để rủ rê các đối tượng khác phạm tội lấy tiền tiêu xài. Cùng nhau kết bạn để cùng nhau đi trộm cắp nên kết cục giờ đây là cùng nhau vào tù, vì cùng vi phạm pháp luật.
Ngâm mình dưới dòng sông để vớt rác
Người xưa có nói: "Chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà học". Với thời nay thì phải thêm vế "chọn hội mà vào". Nói thế để khẳng định rằng, dù môi trường mạng xã hội có làm đẻ thêm không ít hội quái dị và lệch lạc, thì song song với đó cũng có thêm rất nhiều hội nhóm với chí hướng và mục tiêu tốt đẹp. Vấn đề là lựa chọn của mỗi người. Ví dụ như hội "Hà Nội xanh" với khoảng 1,1 nghìn người theo dõi trên Facebook và hơn 140 thành viên hoạt động thường xuyên trên Zalo.
Khi đi ngang con sông Tô Lịch hay sông Nhuệ, phản xạ thường thấy là phóng thật nhanh, khó chịu quá thì nín thở. Nhưng ở dưới lòng sông, các hội viên của "Hà Nội xanh" lại tự nguyện ngâm mình trong rác.
Rác thải sinh hoạt hay phế liệu xây dựng đều xuất hiện ở bờ sông. Với găng tay và đồ bảo hộ vẫn còn đơn giản, để dọn sạch những bờ sông nhiều rác, những tình nguyện viên buộc phải ngâm mình nhiều giờ dưới dòng sông đen để thu gom rác. Thông thường, một buổi thu gom rác của nhóm tình nguyện này sẽ kéo dài tầm 5 tiếng. Dù hào hứng tham gia nhưng với những tình nguyện viên là nữ vẫn cần sự quyết tâm rất lớn.
Liên tục thu gom, nửa buổi chiều, nhóm tình nguyện viên đã thu gom được khoảng hơn 40 túi rác lớn nhưng ước chừng đây mới chỉ là 40 - 50% lượng rác tại điểm này. Thành lập từ tháng 12/2022, nhóm tình nguyện Hà Nội xanh đã triển khai hơn 20 buổi thu gom rác khắp các con sông ô nhiễm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!