Khi lệ làng đúng là thành thông lệ, nhưng không đi theo quy tắc phục vụ lợi ích số đông thì sớm muộn cũng sẽ có những bất cập và tự đào thải.
Nhiều nơi cấm sạc xe điện, người dùng loay hoay tìm cách ứng phó
Nếu như kết quả của Công an Hà Nội liên quan đến vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ, Thanh Xuân đã giải oan cho xe đạp điện trên văn bản thì ngoài đời, những chiếc xe đạp điện vẫn đang bị kết tội là thủ phạm dễ gây cháy nổ trong suy nghĩ của nhiều người dân, đặc biệt là chủ các nhà trọ. Vì thế, những quy định mang tính "lệ làng" ngay lập tức được thiết lập.
Không có xe điện nghĩa là chúng ta đang chối bỏ một trong những xu hướng di chuyển của tương lai. Trên các phương tiện truyền thông, người đi xe điện kêu trời: Giờ biết để xe ở đâu, sạc pin chỗ nào. Vậy là, mâu thuẫn giữa "xe điện" và "quy định của chung cư mini" đã được châm ngòi. Liệu ai sẽ là người chiến thắng? Hay chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến những tình huống dở khóc dở cười từ những quy định mang tính lệ làng và những phản ứng từ cư dân?
Tương lai thế nào không ai đoán được, nhưng xin hãy nhớ, gốc rễ của vụ hỏa hoạn không nằm tại những chiếc xe điện hay xe xăng, mà nằm ở chính những tư duy và việc làm mang tính "lệ làng", tìm cách lách luật, hoán cải công năng nhà cao tầng thành chung cư mini của rất nhiều các chủ nhà trọ, sẵn sàng bỏ qua những quy định về PCCC đã được "phép vua" ban hành hòng kiếm thêm lợi nhuận.
Lỗ hổng quản lý chung cư mini
Những căn chung cư mini mới liên tiếp được xây dựng trong con ngõ hẹp, mặt tiền duy nhất có các ô cửa sổ đều được bịt kín. Phía dưới đều được tận dụng để kín xe máy, xe điện. Nhiều chủ đầu tư khi xây dựng đều đưa ra lý do ban đầu là nhà ở, sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng cho thuê hoặc bán căn hộ. Hầu hết chủ đầu tư đều cố gắng tận dụng tối đa quỹ đất nên ít làm lối thoát hiểm, cơ sở vật chất phòng cháy chữa cháy chỉ mang tính hình thức.
Không lối thoát hiểm khẩn cấp, không hệ thống báo cháy, không hệ thống cấp nước chữa cháy, các tòa chung cư mini được xây dựng trên diện tích nhỏ, nhiều căn nằm sâu trong ngõ ngách nhưng cao 5-10 tầng và xen kẽ trong các khu dân cư, do tư nhân, doanh nghiệp tự đầu tư.
"Lệ làng" không chỉ tồn tại ở chung cư mini, chúng còn xuất hiện tại các chung cư cao tầng. Tại Hà Nội, theo thống kê, có 23 tòa chung cư đã đón người dân về ở nhiều năm mà chưa qua nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Nếu tính trung bình một tòa chung cư có hơn 1.000 hộ dân, có nghĩa khoảng 23.000 người dân Thủ đô đang ngày ngày sống chung với một hiểm họa cháy nổ treo lơ lửng trên đầu. Còn với chính quyền địa phương, đôi khi, để lý giải cho việc phép vua còn thua lệ làng, lý do đưa ra lại rất vị nhân sinh - do vấn đề an sinh xã hội.
Nhiều chung cư tách riêng khu vực sạc điện
Trong nhiều trường hợp, "lệ làng" không xấu mà nó còn được tôn trọng nếu cộng đồng đó biết nhìn ra cái hay, cái dở của nơi mình ở để thiết lập những quy định, quy ước chính xác và hợp lòng dân. Như quay lại câu chuyện về việc cấm xe điện chẳng hạn, nếu không cấm thì cách nào để giải bài toán chung cư Hà Nội và xe điện? Cách nào để người dân sống trong khu chung cư có thể chung sống an toàn với xe điện? Một số chung cư đã có những giải pháp như sau:
Chung cư bố trí khu vực dành riêng cho xe điện.
Mới đây, thông tin quận Thanh Xuân yêu cầu phải chuyển toàn bộ xe máy, xe điện ra khỏi tầng 1 của các khu nhà trọ, chung cư mini đã khiến dư luận xôn xao. Ngay sau đó, lãnh đạo quận Thanh Xuân đã có đính chính lại, đó là chính quyền chỉ vận động chủ nhà và người thuê trong các khu trọ, chung cư mini nếu khu vực sinh sống phù hợp và có đủ điều kiện gửi xe bên ngoài thì mới làm như vậy.
Tuy nhiên, câu chuyện trông hay không trông xe điện trong khu trọ cũng cho thấy sự loay hoay của cả người dân lẫn chính quyền trong việc xử lý vấn đề. Vẫn biết mục đích cuối cùng là nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, nhưng cốt lõi vẫn phải quản lý tốt công tác phòng chống cháy nổ từ đầu, chứ không phải là đi quản lý xem vị trí xe điện nên để ở đâu.
Trụ điện bọc thảm có chống được quảng cáo rao vặt?
Câu chuyện này cũng giống như việc quấn thảm nhựa xanh bọc cột điện tại Quận 5 ở TP. Hồ Chí Minh để chống dán quảng cáo rao vặt vậy. Quận 5 ốp cỏ nhựa cho hơn 490 cột điện, gần 1.300 cột đèn chiếu sáng trên địa bàn theo hình thức cuốn chiếu với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa, để rồi, kết cục của nó là quảng cáo rao vặt lại tiếp tục được dán trên những thảm nhựa xanh này… hoặc những thảm nhựa xanh bị hỏng, bong tróc…
Và ngay trong chiều 22/9, hàng trăm tấm thảm này đã được tháo ra để đánh giá lại hiệu quả sau gần 4 năm triển khai. Những bản đánh giá sẽ được viết ra sau này, còn hiện tại, sau khi đã thử nhiều cách, chính đại diện chính quyền Quận 5 cũng phải thừa nhận: Gắn cỏ nhựa là giải pháp nhất thời, còn việc xử lý theo quy định đối với dán rao vặt mới là chủ lực.
313 người ngộ độc sau ăn bánh mì Phượng
Cũng không có chu trình xử lý bài bản ngay từ gốc, cụ thể ở đây là kiểm tra chặt chẽ từ khâu đầu vào của các nguyên liệu làm nên chiếc bánh mì từng được siêu đầu bếp Anthony Bourdain ca ngợi là ngon nhất thế giới, đã khiến thương hiệu bánh mì Phượng điêu đứng vì vi khuẩn Salmonella làm 313 người nhập viện. Phải chăng đáp án đến từ một thói quen theo kiểu "lệ làng" đã có từ rất lâu như chủ thương hiệu có chia sẻ: thực phẩm đều mua từ các mối quen?
"Bà Trương Thị Phượng, 60 tuổi, chủ bánh mì Phượng, nói hoạt động của tiệm hôm 11/9 (ngày bắt đầu xảy ra vụ ngộ độc) bình thường như 34 năm qua. Toàn bộ quy trình nhập nguyên liệu, chế biến, bán hàng được bà Phượng giám sát mỗi ngày, thực phẩm mua từ các mối quen.
"Mối quen" - từ này gần như là câu trả lời quen thuộc của không chỉ tiệm bánh mì Phượng mà có lẽ còn ở rất nhiều các hàng quán trên cả nước. Điều này cho thấy, dù "phép vua" có đặt ra những quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm như thế nào, "lệ làng" vẫn có thể vượt qua nếu nó trở thành một phần văn hóa, thói quen đã hình thành nhiều năm. Nó khiến nhiều người bán hàng đặt niềm tin tưởng vào các "mối quen" nhiều hơn là yêu cầu các nhà cung cấp phải trả cho mình các mặt hàng đáp ứng đầy đủ theo các quy định mà hệ thống quản lý ATTP đưa ra.
Bánh mì Phượng, với sự tận tâm và đam mê, đã thực sự xin lỗi khách hàng và công khai những sơ sót trong quy trình kiểm soát nguyên liệu. Đó là một bước đi đáng khen ngợi. Với một tiệm bánh bán đến hàng nghìn ổ bánh mì một ngày và trở thành một nét văn hóa của phố Hội, thì sau sự việc này, chính chủ nhân của thương hiệu bánh mì Phượng cần ý thức rõ hơn ai hết về việc chuẩn hóa các nguyên liệu đầu vào theo đúng các tiêu chuẩn ATTP đã đề ra. Bởi nếu không thay đổi tư duy kiểm soát nguyên liệu đầu vào chuẩn chỉnh, tấm biển "Xin nghỉ một ngày 13/9" chưa chắc đã dừng lại ở con số 1 ngày nghỉ.
Triệt tận gốc, hay chỉ xử lý ngọn của vấn đề nằm ở tư duy nhìn nhận vấn đề của các bên liên quan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!