Điều trị gout từ thuốc đến phẫu thuật, tránh biến chứng nặng

Trịnh Mai-Thứ năm, ngày 23/03/2023 09:56 GMT+7

VTV.vn - Nhiều kỹ thuật hiện đại được ứng dụng trong tầm soát phát hiện, điều trị bệnh gout, góp phần ổn định sức khỏe và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Cùng với các bệnh rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid... gout là bệnh thường gặp ở Việt Nam. Thói quen ăn uống giàu chất đạm, uống nhiều rượu bia, lối sống không lành mạnh khiến tỷ lệ mắc mới, tái phát bệnh và gặp các biến chứng ngày càng gia tăng, có xu hướng trẻ hóa.

Nhằm giúp người dân hiểu rõ về bệnh gout, những phương pháp hiện đại phát hiện bệnh sớm và điều trị hiệu quả, tối ngày 21/03/2023, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến "Bệnh Gút - Gout, từ điều trị bằng thuốc đến phẫu thuật". Chương trình có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia đến từ BVĐK Tâm Anh Hà Nội: TTƯT.PGS.TS Đặng Hồng Hoa - Trưởng khoa Cơ xương khớp, ThS.BS Trần Thị Hoài Thanh - Phó khoa Cơ xương khớp, ThS.BS.CKII Nguyễn Ngọc Tiệp - Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình.

Biến chứng nguy hiểm nhưng khó phát hiện sớm

Theo PGS.TS.BSCC Đặng Hồng Hoa, về bản chất, gout là một dạng rối loạn chuyển hóa protid. Khi protid vào cơ thể được chuyển hóa thành purine và các axit amin. Tuy nhiên, nếu quá trình chuyển hóa có biến động, hàm lượng nhân purine ứ đọng nhiều sẽ dần hình thành axit uric và các gốc tự do. Thông thường axit uric có tác dụng bảo vệ cơ thể trước các gốc tự do nhưng khi dư thừa (trên 420 umol/L với nam và trên 350 umol/L đối với nữ) có thể lắng đọng trong khớp, tạo thành tinh thể urat cứng, sắc nhọn cọ xát vào màng hoạt dịch, gây nên những cơn viêm khớp cấp (bệnh gút) và các biến chứng.

Tình trạng tăng acid uric có thể do tăng sản xuất acid uric trong cơ thể hoặc giảm bài xuất acid uric ra ngoài hoặc do cả hai quá trình trên. Người mắc bệnh gút vô căn chiếm đa số các trường hợp, thường gặp ở nam giới trên 40 tuổi, người có thói quen sinh hoạt và ăn uống không lành mạnh. Bệnh gắn liền với yếu tố di truyền hoặc cơ địa người bệnh bị khuyết thiếu các loại men cần thiết trong quá trình chuyển hóa, tổng hợp purin nội sinh, làm tăng acid uric quá mức. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như người bệnh mắc các bệnh lý giảm thải acid uric hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị bệnh lý ác tính.

Đặc biệt, phụ nữ giai đoạn mạn kinh có nguy cơ cao mắc bệnh gút so với độ tuổi khác do mức nội tiết tố nữ estrogen suy giảm, gây ảnh hưởng đến quá trình tái hấp thu urat vào máu, làm tăng nồng độ acid uric.

Những dấu hiệu của bệnh gout ở giai đoạn đầu không rõ ràng nên dễ bị bỏ qua. Một số người có tăng nồng độ acid uric trong máu nhưng không xuất hiện triệu chứng. Theo thời gian, khi nồng độ này tăng cao không hạ dẫn đến sự tích tụ các tinh thể urat, gây ra các cơn đau nhức đột ngột, dữ dội kéo dài ở các khớp ngón chân, ngón tay, đầu gối kèm sưng đỏ. Theo các chuyên gia, những dấu hiệu này dễ gây nhầm lẫn với các bệnh viêm khớp khác như vẩy nến khớp, viêm khớp cột sống, viêm khớp phản ứng.... Hầu hết trường hợp người bệnh chỉ đi khám khi xuất hiện triệu chứng, gây khó khăn trong điều trị. Ở giai đoạn muộn, gout không chỉ gây cản trở sinh hoạt, giảm hiệu suất công việc, người bệnh còn có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như thoái hóa, hoại tử khớp, sỏi thận, tàn phế,...

Điều trị gout từ thuốc đến phẫu thuật, tránh biến chứng nặng - Ảnh 1.

Theo TTƯT.PGS.TS Đặng Hồng Hoa, gout có thể xảy ra ở cả nam giới và nữ giới.

Nhiều phương pháp hiện đại chẩn đoán bệnh chính xác, điều trị hiệu quả

Theo ThS.BS Trần Thị Hoài Thanh, bệnh gout có thể được chẩn đoán qua khai thác yếu tố nguy cơ, triệu chứng của người bệnh, kết hợp xét nghiệm máu và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp X-Quang, cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ. Trong đó xét nghiệm máu là phương pháp thăm dò quan trọng để đánh giá tình trạng bệnh.

Tại Hệ thống BVĐK Tâm Anh, xét nghiệm tìm tinh thể urat hiện được xem là phương pháp "tiêu chuẩn vàng" giúp loại trừ bệnh gout với các bệnh viêm khớp khác. Bằng cách kiểm tra mẫu chất lỏng lấy từ dịch khớp của người bệnh dưới kính hiển vi nền đen, bác sĩ nhanh chóng tìm ra tinh thể urat, giúp chẩn đoán bệnh chính xác.

Trong buổi livestream, các chuyên gia cho biết, gout có thể đáp ứng tốt với điều trị. Bệnh được kiểm soát hiệu quả khi duy trì sử dụng thuốc và thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Nếu điều trị đúng cách sẽ hạn chế tái phát các đợt viêm khớp, khớp được bảo tồn cấu trúc và chức năng, tránh các biến chứng của bệnh.

PGS Đặng Hồng Hoa lưu ý, việc sử dụng thuốc phải có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ. Người bệnh cần được theo dõi nồng độ axit uric trong máu, chức năng gan, thận hàng tháng, từ đó bác sĩ đánh giá khả năng đáp ứng thuốc và đưa ra các điều chỉnh phù hợp dựa trên từng cá thể. Việc tự ý sử dụng thuốc, tái sử dụng đơn thuốc cũ,... có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm.

Điều trị gout từ thuốc đến phẫu thuật, tránh biến chứng nặng - Ảnh 2.

Theo bác sĩ Hoài Thanh, bệnh gout cấp tính có thể điều trị hiệu quả bằng nội khoa, kết hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.

ThS.BS.CKII Nguyễn Ngọc Tiệp thông tin, người bị gout mạn tính dễ xuất hiện hạt tophi xung quanh các khớp ngón tay, ngón chân, đầu gối. Những hạt này có tính chất cứng, rắn, bám chặt vào tổ chức collagen của mô. Chúng hình thành dọc theo dây thần kinh mạch máu, chèn vào thần kinh mạch máu gây tê, đau hoặc khi hạt tophi sưng to, bị viêm, dọa vỡ hoặc vỡ, gây nhiễm trùng, khiến người bệnh mất khả năng vận động, có nguy cơ tàn phế. Một số trường hợp người bệnh bị rò dịch sau khi mổ tophi không đúng cách hoặc xuất hiện nhiều hạt tophi sưng to gây mất thẩm mỹ. Lúc này, bệnh cần được can thiệp phẫu thuật.

Với sự liên kết khám chữa bệnh đa chuyên khoa, bệnh nhân điều trị bệnh gout tại BVĐK Tâm Anh được xây dựng phác đồ điều trị cá thể hóa với chi phí hợp lý. Sau khi điều trị ổn định tình trạng gout và các bệnh chuyển hóa khác nếu có, người bệnh có thể phẫu thuật để khôi phục chức năng khớp, phục vụ sinh hoạt cơ bản. Các phẫu thuật từ bóc hạt tophi đến hàn khớp, cứng khớp, thay khớp được thực hiện bởi các chuyên gia giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, dưới sự hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại, giúp bệnh nhân gout lâu năm sớm được quay trở lại với đời sống sinh hoạt bình thường.

Ngoài ra, bệnh viện còn vận dụng phương pháp can thiệp hút áp lực âm (VAC) để làm sạch các hạt tophi, giảm tình trạng biến chứng nhiễm trùng hoặc vết thương bị rỉ dịch. Đây là kỹ thuật tiên tiến, được ứng dụng rộng rãi trong điều trị các vết thương mạn tính khó lành.

Sau khi phẫu thuật loại bỏ các hạt tophi, vết thương sẽ được phủ kín bằng một loại xốp và băng dính chuyên dụng, sau đó kết nối với máy hút chân không. Vết thương được hút bỏ dịch tiết nên sạch hơn, hạn chế tiếp xúc với môi trường bên ngoài, giảm thiểu số lần thay băng, giảm đau đớn cho bệnh nhân khi phải thay băng mỗi ngày. Đặc biệt, áp lực âm còn giúp kích thích dòng máu nuôi đến vết thương nhiều hơn, giúp vết thương mau lành. Từ đó, các bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình có thể đánh giá che phủ vết thương bằng nhiều phương pháp, giúp trả lại hình dạng giải phẫu ban đầu, đảm bảo tính thẩm mỹ.

Điều trị gout từ thuốc đến phẫu thuật, tránh biến chứng nặng - Ảnh 3.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tiệp tư vấn về các phương pháp phẫu thuật điều trị hạt tophi ở người bệnh gút mạn tính.

Các chuyên gia nhấn mạnh trong buổi tư vấn trực tuyến, cách phòng ngừa bệnh gout hiệu quả là chú ý đến chế độ ăn uống và sinh hoạt, bao gồm: duy trì kiểm soát cân nặng hợp lý; hạn chế các thực phẩm chứa nhiều purine như thịt đỏ, hải sản; uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, hoa quả và chất xơ; ưu tiên nguồn protein từ đậu, trứng, sữa; hạn chế uống bia rượu và các loại nước có gas; tập thể dục thường xuyên. Nếu gia đình có người từng bị gout, mọi người nên thực hiện các xét nghiệm thăm khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ nhằm loại trừ nguy cơ mắc bệnh hoặc phát hiện bệnh sớm, từ đó có kế hoạch điều trị phù hợp, tránh biến chứng nặng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước