Đổi mới y tế cơ sở thích ứng trong tình hình dịch mới

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 25/10/2021 19:14 GMT+7

VTV.vn - Tăng cường năng lực cho y tế cơ sở, hơn lúc nào hết, cần khẩn trương thực hiện ngay từ bây giờ để ứng phó kịp thời khi dịch bùng phát trở lại.

Khi dịch căng thẳng nhất, các cơ sở y tế quá tải trầm trọng, Bộ Y tế và TP Hồ Chí Minh quyết định thay đổi phương thức điều trị bệnh nhân COVID-19, phân loại và điều trị F0 tại nhà. Mô hình trạm y tế lưu động được hình thành ở từng xã, phường, đến từng nhà dân, phát thuốc, thăm khám. Hàng trăm nghìn F0 khỏi bệnh ngay tại nhà, tỷ lệ nặng chuyển tuyến giảm hẳn. Việc điều trị F0 tại nhà, phát huy hiệu quả của mô hình trạm y tế lưu động tại TP Hồ Chí Minh là kinh nghiệm đáng học hỏi.

Tại Hà Nội, dù được đánh giá là cấp độ 1 - vùng xanh nhưng thủ đô luôn sẵn sàng với mọi tình huống. Sáng 25/10, Hà Nội đã tổ chức diễn tập vận hành trạm y tế lưu động trong tình huống dịch bùng phát mạnh.

Địa điểm được lựa chọn là Trạm Y tế số 1 Xã Tân Triều, huyện Thanh Trì. Theo kịch bản, trạm y tế lưu động phụ trách khu vực gồm 300 hộ gia đình, 59 F0 và 200 F1. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát lan rộng toàn thành phố, số người mắc COVID-19 vượt khả năng thu dung của các cơ sở điều trị và cơ sở cách ly tập trung thì việc điều trị F0 nhẹ tại nhà nhằm giảm tải cho các cơ sở y tế.

Đổi mới y tế cơ sở thích ứng trong tình hình dịch mới - Ảnh 1.

Đại diện Trung tâm Y tế Thanh Trì cho biết, để nhanh chóng thiết lập và vận hành trạm y tế lưu động, trung tâm đã huy động cả các bác sĩ, nhân viên y tế ngoài công lập tham gia. Trạm y tế cũng được trang bị thêm các thiết bị theo dõi, cấp cứu và tập huấn về dấu hiệu, triệu chứng của bệnh COVID-19.

Cho tới nay, Hà Nội đã triển khai thí điểm 11 trạm y tế lưu động tại các khu vực nguy cơ cao, khu vực cách ly y tế. Các trạm y tế này không chỉ chăm sóc cho các F0, F1 trong khu vực mà còn khám chữa bệnh thông thường cho người dân, không để tình trạng bệnh nặng mới đi khám.

Trong dịch COVID-19, khi số ca mắc lây lan, gia tăng rất nhanh trong cộng đồng mới thấy tầm quan trọng của y tế cơ sở lớn đến thế nào. Họ là những người gần dân nhất, phát hiện ca mắc sớm nhất, bám sát địa bàn, khoanh vùng dập dịch, lấy mẫu, chưa kể đến việc họ phát thuốc điều trị, theo dõi bệnh nhân nếu địa phương cho phép điều trị F0 tại nhà.

Những ngày gần đây, tại các tỉnh ĐBSCL, số ca mắc COVID-19 liên tục tăng trở lại với nhiều ổ dịch cộng đồng phức tạp. Đội ngũ y tế tại cơ sở đang ngày đêm chống dịch. Trong khó khăn cũng bộc lộ rõ những hạn chế như nhân lực vừa thiếu, vừa chưa được đào tạo, trang thiết bị máy móc chưa được đầu tư.

Trong đợt dịch COVID-19 này, tuyến y tế cơ sở đã cho cho thấy rõ vai trò quan trọng trong việc xử lý dịch tễ ban đầu, tiếp nhận chăm sóc sức khỏe nhân dân khi nhiều bệnh viện phải chuyển công năng điều trị bệnh nhân COVID-19. Vì vậy, đầu tư phát triển cho tuyến y tế cơ sở trong tình hình mới đang là nhiệm vụ cấp thiết hơn bao giờ hết.

Đổi mới y tế cơ sở thích ứng trong tình hình dịch mới - Ảnh 2.

Đổi mới và tái cấu trúc hệ thống y tế cơ sở cũng là vấn đề đang được các đại biểu Quốc hội quan tâm tại kỳ họp Quốc hội lần này. Tại TP Hồ Chí Minh, địa phương đầu tiên thực hiện điều trị F0 tại nhà và trạm y tế lưu động. Mới đây, Sở Y tế đã trình lên UBND thành phố đề án tăng cường năng lực cho y tế dự phòng, đặc biệt là các trạm y tế. Đề án được xây dựng từ chính kinh nghiệm thực tiễn phòng chống và kiểm soát dịch bệnh vừa qua.

Khám định kỳ, phát thuốc điều trị đái tháo đường, cao huyết áp thậm chí thực hiện xét nghiệm tầm soát ung thư chính là những việc mà các trạm y tế 1 điểm dừng của TP Hồ Chí Minh thực hiện trước khi đợt 4 dịch COVID-19 bùng phát. Điều này chứng tỏ năng lực không nhỏ của y tế tuyến cơ sở nhỏ nhất này khi được đầu tư cả về nhân lực và trang thiết bị. 

Tuy nhiên, khi số lượng F0 tăng cao liên tục, định biên cho trạm y tế từ 5-10 người thì quá tải khiến đôi lúc bị tê liệt là khó tránh khỏi. Bất hợp lý trong định biên chỉ là một trong những vấn đề cần phải thay đổi trong cơ chế chính sách mà Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề xuất trong đề án tăng cường năng lực y tế cơ sở trình UBND thành phố.

TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phát huy những nguồn lực sẵn có trong xã hội để gắn liền với hoạt động trạm y tế, để từ đó tăng hiệu quả hơn. Quận 7 cũng là địa phương đầu tiên quyết định lập các trạm y tế lưu động tại các cơ sở y tế tư nhân nhằm vận dụng nguồn lực cùng phối hợp tham gia hoạt động với trạm y tế cơ sở. Mô hình này sẽ được các địa phương của thành phố xem xét, triển khai trong bối cảnh vừa phòng dịch vừa phát triển. 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước