Đóng Bảo hiểm xã hội để có lương hưu: Trẻ không lo, già là gánh nặng

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 09/12/2020 18:59 GMT+7

VTV.vn - Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi nhưng chỉ 40% người già có lương hưu và bảo trợ xã hội.

Thọ mà không nhàn

Cứ 6 người Việt thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên. Cả nước có gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên và khoảng 7,2 triệu người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn. Theo một khảo sát ở nông thôn, 65% người già chỉ được con cái chăm sóc theo kiểu chỉ duy trì cuộc sống.

Phần lớn người cao tuổi đang sống trái với câu nói "tuổi già an nhàn" bởi họ có một tuổi già không nhàn khi bản thân không có lương hưu, phải sống phụ thuộc.

Đóng Bảo hiểm xã hội để có lương hưu: Trẻ không lo, già là gánh nặng - Ảnh 1.

Ông bà Trần Thị Nhỡ dù có 9 người con nhưng cuộc sống hiện rất khó khăn do không có lương hưu.

84 tuổi, cụ Nhỡ hàng ngày vẫn lên vườn hái chè dù đã qua vụ và chè đã cằn. Hái được chút nào hay chút đó, rẻ cũng bán vì ít nhiều cụ có thêm vài chục ngàn để hai vợ chồng già mỗi ngày.

Dù các con sống gần nhưng cuộc sống của 2 người già vẫn tự lo cho mình là chính. Mấy năm nay, cụ ông bị tai biến nên cụ Trần Thị Nhỡ (84 tuổi ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên) càng vất vả hơn. Nhờ có trợ cấp 270.000 đồng/tháng, hai người cũng đủ ăn và không phiền các con.

Vẫn còn sức khỏe, bà Vũ Thị Hải iwr Thái Nguyên vẫn trông cháu để con đi làm ăn xa. Đàn gà là nguồn sống cho cả gia đình và còn trích để đóng tiền đóng học cho trẻ. Giờ bà bắt đầu lo, bởi vài năm nữa, khi sức ngày càng xuống thì không biết trông vào đâu.

Quan niệm con cái là chỗ dựa khi về già đang dần thay đổi không chỉ ở đô thị mà còn ở nông thôn khi mà phần lớn lao động trong độ tuổi đều thoát ly khỏi làng quê và nông thôn chỉ còn trẻ nhỏ và người già.

Già phải có hưu trí

Nhìn vào những vất vả của người già thọ mà không nhàn mới thấy được rằng mỗi người phải lo cho mình khi chưa già. Có hưu trí không chỉ là đảm bảo cho bản thân mà còn bớt gánh nặng cho con cái và xã hội. Trẻ cậy cha, già cậy con - quan niệm truyền thống này không còn phù hợp.

Nhiều người cao tuổi vất vả, khó khăn và cô đơn khi không có thu nhập ngày càng nhiều. Thế nên, hưu trí là chính là điểm tựa của người cao tuổi và mỗi người có thể hoàn toàn tự lo cho mình khi chưa già, để không phải sống một tuổi già đầy nuối tiếc.

Đóng Bảo hiểm xã hội để có lương hưu: Trẻ không lo, già là gánh nặng - Ảnh 2.

Nhiều người già nông thôn đã thay đổi quan điểm về bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Đến giờ, cả hai vợ ông Định Hữu Thêm ở Thái Nguyên vẫn đầy tiếc nuối vì đã bỏ lỡ một tuổi già an nhàn. Được nhà nước cho đi học rồi công tác gần 20, ông bà nghỉ chế độ một lần rồi trở về quê.

Lúc đó, đất đai rộng, sức khỏe vẫn còn nên ông tưởng có thể làm giàu nhưng cuối cùng cũng chỉ đủ ăn, không tích luỹ được gì cho tuổi già.

Còn với chị Nguyễn Thị Liễu, sắp bước sang tuổi 50, vợ chồng chị quyết định không xây nhà mới bằng số tiền dành dụm được. Tiền tích lũy được chia làm 2 phần, một cho các con ăn học và một phần mua bảo hiểm xã hội tự nguyện để có lương hưu sau này.

Vợ chồng chị đều suy nghĩ đơn giản lương hưu là ngôi nhà của mình khi về già. Nghỉ chế độ, ngoài khoản lương hưu vợ chồng ông Phúc còn có vườn tược rộng rãi để tăng gia sản xuất. Không những không cần nhờ con cái mà ông bà còn trồng rau, nuôi gà, chim, cá để cung cấp cho con cháu.

Khi còn trẻ, nghe tới hưu trí, ai cũng nghĩ là chuyện xa xôi. Tuy nhiên, khi tuổi cao, sức yếu, chỉ 1 - 2 triệu đồng mỗi tháng lại là chỗ dựa vững chắc để sống an nhàn. Tuy nhiên, không phải ai cũng tính toán và kiên trì góp hưu trí cho mình khi chưa già.

Trẻ không lo, già là gánh nặng

Theo dự báo, đến năm 2035, số người cao tuổi trên 75 tuổi ở Việt Nam sẽ tăng gấp đôi so với thời điểm hiện tại, đạt 5 triệu người. Đến năm 2050, Việt Nam sẽ có số người cao tuổi tương đương với các nước có dân số già nhất như Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hiện nay, số người già có hưu trí ở Việt Nam còn rất thấp.

Nếu trong tương lai, điều này không cải thiện, chất lượng sống của người già sẽ bị giảm sút nghiêm trọng, kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội. Khi còn trẻ thì không lo lắng, già sẽ là gánh nặng cho gia đình và cộng đồng.

Một chính sách đã hỗ trợ người già từ 80 tuổi trở lên là hỗ trợ 270.000 đồng/tháng. Khoản này được các chuyên gia gọi là "lương xã hội" cho người già. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ nâng mức hỗ trợ cho người già trên 80 tuổi từ 270.000 đồng/tháng lên 360.000 đồng/tháng, dự kiến áp dụng vào năm 2022.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước