Từ 1/7, chỉ thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên VNeID
Bắt đầu từ ngày 1/7 năm nay, mỗi người dân chỉ sử dụng 1 loại tài khoản duy nhất VNeID khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Nếu trước đây, để đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, xác nhận tình trạng hôn nhân, làm hộ chiếu... qua cổng dịch vụ công, người dùng có thể tạo tài khoản là số điện thoại hoặc tài khoản VNeID, thì sau 1/7 chỉ còn một cách là dùng tài khoản VNeID.
Việc chuyển đổi này là cần thiết, vừa đơn giản hóa thủ tục, đem lại nhiều tiện ích cho người dùng, vừa thuận lợi hơn cho công tác quản lý vận hành hệ thống.
Người dân làm thủ tục dịch vụ công trực tuyến. (Ảnh: NLĐ)
Từ 1/7, để truy cập cổng dịch vụ công thuận tiện, người dân cần đồng bộ liên kết tài khoản cũ điện thoại với tài khoản VNeID. Hướng dẫn này đã có trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Hiện có tới 53 triệu tài khoản VNeID đã được cấp cho người dùng, trong khi tài khoản điện thoại chỉ có 14 triệu. Do vậy, việc chuyển sang tài khoản VNeID vừa giúp người dân dễ dàng truy cập, vừa thuận tiện cho công tác quản lý vận hành hệ thống
"Thách thức lớn nhất là năng lực của hệ thống, sẽ có hàng chục triệu người dùng thường xuyên truy cập vào hệ thống và năng lực của hệ thống này phải tốt, nếu không sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nghiệp vụ của các bộ, ngành, địa phương cũng như quá trình thực hiện dịch vụ công của người dân và doanh nghiệp", ông Nguyễn Đình Lợi, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, cho biết.
Đồng bộ hóa dữ liệu của bảo hiểm với dữ liệu quốc gia
Cơ sở dữ liệu Quốc gia về bảo hiểm là 1 trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng cần ưu tiên triển khai trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia VNeID.
Hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang quản lý dữ liệu của trên 98,7 triệu dân và hộ gia đình, kết nối trực tuyến với hơn 13.000 cơ sở khám chữa bệnh, xử lý và tiếp nhận gần 300 triệu lượt hồ sơ trực tuyến hàng năm.
Khi những dữ liệu này được kết nối xác thực, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia VNeID, sẽ tạo tiền đề quan trọng để người dân có thể sử dụng căn cước công dân đi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, sử dụng số định danh cá nhân thay thế cho số sổ bảo hiểm xã hội (BHXH), mã bảo hiểm y tế (BHYT) trong tương lai; còn trước mắt là phục vụ cho việc đẩy mạnh chi trả lương hưu qua tài khoản ngân hàng vào ngày 1/7 tới đây.
Đến thời điểm hiện tại, BHXH Việt Nam đã xác thực với trên 71 triệu nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời BHXH Việt Nam cung cấp, chia sẻ 62 triệu lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. BHXH Việt Nam cũng đặt mục tiêu đạt được tỷ lệ xác thực 100% nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu.
"Cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an quản lý hiện nay đã được đồng bộ với cơ sở dữ liệu BHXH, nghĩa là một mã định danh cá nhân tương ứng với người đang tham gia vào thụ hưởng BHXH, là mã duy nhất. Chúng tôi phối hợp để đồng bộ 96%", ông Vũ Đức Thuật, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội, cho biết.
Các hoạt động rà soát dữ liệu đang được cơ quan bảo hiểm xã hội tiến hành để kịp chi trả lương hưu qua tài khoản vào ngày 1/7 tới đây.
Người dân làm thủ tục bảo hiểm xã hội. (Ảnh: Dân trí)
Dữ liệu sau khi chuẩn hóa sẽ được cập nhật thông tin tài khoản tiền gửi của người hưởng vào phần mềm VNeID.
"Một số trường hợp hiện lĩnh lương nhưng dữ liệu của bên công an và BHXH chưa khớp. Vì vậy những trường hợp đó cũng phải xác minh qua dữ liệu của người hưởng dữ liệu của bên công an. Cơ quan bảo hiểm xã hội không phải trực tiếp gặp người hưởng mà có thể ngồi trên cơ quan xác minh", bà Nguyễn Thị Hồng Luyến, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Phúc Thọ, Hà Nội, cho hay.
Chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp quản lý người hưởng chặt chẽ, chi trả đúng người hưởng, đúng chế độ, tránh lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm.
Hiện nay, BHXH Việt Nam đã triển khai xong về mặt kỹ thuật bản điện tử sổ BHXH, thẻ BHYT. Đây là tiền đề quan trọng để cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân.
Chi trả lương hưu qua tài khoản
Có thể thấy, khi dữ liệu của bảo hiểm xã hội trùng khớp với dữ liệu của Bộ Công an trên nền tảng VNeID, đạt được độ chính xác cao, sẽ giúp chi trả đúng người, đúng chế độ. BHXH Việt Nam cũng đang đẩy mạnh việc chi trả lương hưu qua tài khoản ngân hàng và thông tin về tài khoản nhận lương hưu của từng người hưởng cũng sẽ được cập nhật, đồng bộ trên cơ sở dữ liệu quốc gia VNeID.
Là người hưởng chế độ hưu trí, cứ hàng tháng ông Bốn (ở thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) phải dậy sớm đi xếp hàng chờ lĩnh lương hưu. Từ khi có chính sách chi trả qua tài khoản ngân hàng, ông thấy thoải mái vì thích rút tiền lúc nào thì rút và đi đâu chơi không cần mang tiền mặt nữa.
Bà Thanh (Phúc Thọ, Hà Nội) đã hơn 70 tuổi, bận trông cháu cho các con đi làm. Bà đăng ký nhận lương hưu qua tài khoản để hàng tháng nhờ các con đi rút hộ. Nhờ đó, bà tiết kiệm được nhiều thời gian đi lại, chờ đợi.
Thực hiện chủ trương không dùng tiền mặt của Chính phủ, từ ngày 1/7 tới đây, BHXH Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc chi trả lương hưu và các chế độ BHXH qua tài khoản cho các đối tượng thụ hưởng.
Giao dịch qua tài khoản ngân hàng đã trở nên phổ biến trong xã hội hiện nay. Chủ trương chi trả lương hưu qua tài khoản giúp người cao tuổi cập nhật công nghệ thông tin và không bị lạc hậu. Tới đây, toàn bộ dữ liệu người tham gia BHXH sẽ được đồng bộ vào hệ thống VNeID, người tham gia BHXH sẽ thuận tiện hơn khi giao dịch và nhận các chế độ BHXH.
Vướng mắc chi trả lương hưu qua tài khoản
Mặc dù việc triển khai chi trả lương hưu qua tài khoản đã được thực hiện nhiều năm nay, nhưng nhiều người vẫn chọn nhận trực tiếp ở bưu điện. Việc triển khai trả lương hưu qua tài khoản vẫn có những vướng mắc khó khăn nhất định.
Do thói quen giữ và tiêu tiền mặt đã nhiều năm nên một bộ phận người cao tuổi tỏ ra băn khoăn, lo lắng khi nhận lương qua tài khoản.
Ngay ở Hà Nội, có gần 600.000 người hưởng lương hưu, nhưng chỉ có khoảng 35% người có tài khoản. Thực tế những người nhận lương hưu trên 70 tuổi chiếm phần lớn, rất kém về công nghệ và đa phần ở nông thôn.
"Lĩnh lương qua tài khoản họ cũng theo nhưng họ cũng mong muốn được lĩnh lương bằng tiền mặt vì họ cho rằng lĩnh lương trực tiếp họ sẽ yên tâm hơn", chị Nguyễn Thị Hồng Luyến, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Phúc Thọ, Hà Nội, cho biết.
"Chúng tôi đặt mục tiêu người dân nhận lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng dùng tài khoản cá nhân để nhận. Người cao tuổi đang nhận lương hưu ngại tiếp cận với công nghệ, người ta vẫn có thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt", ông Vũ Đức Thuật, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội, thông tin.
Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến thời điểm thực hiện chủ trương không dùng tiền mặt trong chi trả lương hưu. Mặc dù còn một số khó khăn, nhưng đây là việc làm cần thiết, phù hợp với xu thế chung. Cơ quan BHXH cũng tiến hành tuyên truyền vận động để người dân hiểu rõ lợi ích của việc chi trả qua tài khoản và tự nguyện tham gia.
Có thể thấy, những khó khăn trong quá trình số hóa các dịch vụ công đã được các cơ quan nhận diện. Các cơ quan liên quan vẫn đang nỗ lực thực hiện cho đúng thời hạn, làm đến đâu gỡ khó đến đó. Vì xu thế chuyển đổi số là không thể chậm trễ và đảo ngược. Mọi thứ sẽ dần dần làm quen và thay đổi những thói quen để thích ứng với việc chuyển đổi này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!