Theo Nghị định 10 của Chính phủ, tất cả ô tô kinh doanh vận tải từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo đều phải hoàn thành lắp camera giám sát trên xe kể từ năm nay. Tuy nhiên, đến nay, số xe đã lắp và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam đạt hơn 70%. Số xe còn lại chưa lắp là hơn 50.000 xe. Thậm chí, với những xe đã lắp lại xảy ra tình trạng chủ xe, lái xe cố tình tìm cách vô hiệu hóa camera giám sát, có trường hợp còn ngắt hẳn dây nguồn ra khỏi thiết bị.
Dùng vải, khẩu trang, băng dán để bịt camera giám sát... là những chiêu trò của một số lái xe để vô hiệu hóa hoạt động của camera giám sát, nhằm qua mắt việc kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Một doanh nghiệp kinh doanh vận tải cho biết, việc lắp camera giám sát đã mang lại hiệu quả rất tốt trong việc kiểm soát lái xe cũng như hành trình của xe. Tuy nhiên, một số lái xe vẫn tìm mọi cách để khiến việc kiểm soát do camera hành trình ghi lại gặp khó.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đến nay, trên địa bàn Hà Nội vẫn còn gần 22.000 xe trong tổng số 34.200 xe chưa lắp camera theo quy định tại Nghị định 10 của Chính phủ, trong đó đa phần là xe hợp đồng.
Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã bố trí lực lượng tại khu vực các bến xe như: Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, Yên Nghĩa, Gia Lâm, Sơn Tây trên các tuyến đường để xử phạt các xe không lắp camera hoặc có lắp nhưng camera không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe.
Để tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm liên quan đến lắp camera giám sát, Thanh tra Bộ GTVT đã yêu cầu thanh tra Sở GTVT mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan lắp camera giám sát trên xe vận tải tại các tỉnh, thành trên cả nước. Đợt cao điểm này sẽ diễn ra trong 1 tháng, từ ngày 20/5 - 20/6.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!