Du lịch làng nghề: Bao giờ "cất cánh"?

Đỗ Hòa, Vũ Nhất-Thứ tư, ngày 23/08/2023 12:11 GMT+7

VTV.vn - Hơn 1.300 làng nghề tại Hà Nội có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn nhưng đến nay, nơi khai thác tốt nơi lại manh mún, thậm chí bỏ ngỏ không làm.

Du lịch làng nghề: Tiềm năng và manh mún

1.350 làng nghề là con số làng nghề của Thủ đô Hà Nội. Nhiều hoạt động du lịch làng nghề đã được nỗ lực thực hiện và thúc đẩy trong những năm gần đây. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, hoạt động du lịch vẫn chưa thực sự mang lại những giá trị phát triển mới cho các làng nghề. Cũng bởi, tại không ít làng nghề, dù hoạt động du lịch đã có, thậm chí là nhiều tiềm năng thu hút du khách, nhưng vẫn ở tình trạng nhỏ lẻ, manh mún.

Tại làng nghề sản xuất tăm hương truyền thống Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa - một trong những địa điểm du lịch làng nghề mới hấp dẫn du khách, nhất là du khách quốc tế, một buổi sáng thứ Bảy, từng đoàn du khách nước ngoài theo những chuyến xe dừng lại tại ngôi đình của làng. Những bó chân hương đủ màu rực rỡ phơi trước đình là cảnh sắc đẹp và đầy thú vị với du khách.

Du lịch làng nghề: Bao giờ cất cánh? - Ảnh 1.
Du lịch làng nghề: Bao giờ cất cánh? - Ảnh 2.

Điện thoại, máy ảnh, những ống kính liên tục hoạt động cùng với sự thích thú của những vị khách quốc tế, nhưng trải nghiệm làng hương truyền thống của họ sẽ sớm kết thúc ngay sau những bức ảnh ở khu vực sân đình.

Không mặt bằng đồng nghĩa điều kiện cơ sở vật chất và các dịch vụ ở đây gần như bằng không. Xấp xỉ 6 tháng hoạt động, điểm du lịch trong trạng thái thiếu đủ thứ. Chỗ nghỉ cho du khách thiếu, khu vực thay đồ chụp ảnh thiếu, đến cả nhà vệ sinh sạch cũng thiếu!

Tất nhiên, thiếu dịch vụ, thiếu sản phẩm thì việc để du khách chi nhiều tiền hơn khoản vé 30.000 - 50.000 đồng vào chụp ảnh là điều bất khả thi. Thậm chí, người làm du lịch còn chẳng thể thu nổi tiền chụp ảnh của nhiều nhóm khách nước ngoài cũng vì không thể giải thích chi phí.

Du lịch làng nghề: Bao giờ cất cánh? - Ảnh 3.

Hiện, đại diện các hộ dân làm du lịch tại đình làng hương Quảng Phú Cầu đã đề nghị xin cấp hơn 2.000m2 đất khu vực xung quanh đình nhằm xây dựng, phát triển điểm du lịch này. Trong khi đó, theo thống kê, lượng khách đến đây vẫn có xu hướng tăng và 80% là khách quốc tế.

Làng nghề vắng du lịch

Việc có được sức hút với du khách quốc tế trở thành tiềm năng lớn để đẩy mạnh phát triển du lịch ở làng nghề tăm hương truyền thống Quảng Phú Cầu, nhất là khi, đầu năm nay, làng nghề truyền thống này còn xuất hiện trong phóng sự trên kênh truyền hình RTBF của Bỉ. Theo chia sẻ của hướng dẫn viên du lịch, có tới 99% du khách nước ngoài mong muốn đến điểm tham quan này đều là qua giới thiệu của những người đã đi trước hoặc qua các bức ảnh nổi tiếng về làng hương.

Tuy nhiên, việc thu hút được du khách tìm đến dù hiện trạng khai thác du lịch còn manh mún, nhỏ lẻ như tại làng hương Quảng Phú Cầu thực tế là không nhiều. Bởi có những làng nghề dù giàu tiềm năng với nghề truyền thống độc đáo vẫn "trắng" du lịch.

Khâu kim tay dọc là kỹ thuật chỉ có duy nhất ở làng Trạch Xá. Niềm tự hào về một trong những kỹ thuật độc đáo, riêng biệt trong nghề may áo dài truyền thống làng mình của ông Tám gắn liền với sự thích thú khi có ai đó ngoài làng được trải nghiệm.

Du lịch làng nghề: Bao giờ cất cánh? - Ảnh 4.
Du lịch làng nghề: Bao giờ cất cánh? - Ảnh 5.

Tự hào, thích thú là thế nhưng khi được hỏi vì sao không mở cơ sở theo hướng kết hợp với du lịch trải nghiệm làng nghề, người thợ may đã cầm kim từ khi còn nhỏ này lại lắc đầu.

Làm theo hộ gia đình, cơ sở sản xuất vốn chỉ là cái nhà vài chục m2, nếu mở làm du lịch đồng nghĩa thay đổi nhiều thứ, thậm chí có thể là phải đập đi xây lại một quy trình mới.

Khi chủ trương phát triển du lịch ở làng nghề may đo áo dài truyền thống Trạch Xá đã có thì sự chuẩn bị cho nó vẫn mới chỉ dừng lại ở những sửa sang bên ngoài. Khu trưng bày áo dài làng nghề Trạch Xá được cải tạo từ nhà khách với tấm biển lớn cách đây gần 3 năm đến giờ vẫn chỉ có bàn trà, ghế nhựa và các vật dụng sinh hoạt.

Du lịch làng nghề: Bao giờ cất cánh? - Ảnh 6.
Du lịch làng nghề: Bao giờ cất cánh? - Ảnh 7.

Dự kiến, cuối năm nay, làng may đo áo dài truyền thống Trạch Xá sẽ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, mở ra thêm kỳ vọng về con đường phát triển du lịch gắn với nghề truyền thống của 90% hộ dân tại đây.

Bán sản phẩm nào với du lịch làng nghề?

Được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia có thể sẽ trở thành một trong nền tảng góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch tại làng nghề may đo áo dài truyền thống Trạch Xá. Tuy nhiên, phát triển sản phẩm du lịch nào để hút du khách và níu chân du khách nhiều lần cũng sẽ là bài toán đồng thời được đặt ra không chỉ với làng Trạch Xá mà còn với làng Quảng Phú Cầu cũng như nhiều làng nghề đang có định hướng phát triển du lịch khác.

Mục tiêu đề ra trong năm nay, Hà Nội sẽ đón khoảng 22 triệu lượt khách, tăng 17,6% so với năm 2022, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế, tăng 100% so với năm 2022. Nếu những làng nghề có thế mạnh du lịch của Hà Nội xác định được sản phẩm hút khách của mình sẽ là cơ hội để du lịch làng nghề "cất cánh", đồng thời góp phần phát triển ngành du lịch Thủ đô.

Du lịch làng nghề: Bao giờ cất cánh? - Ảnh 8.
Du lịch làng nghề: Bao giờ cất cánh? - Ảnh 9.

Mỗi chiếc áo dài may thủ công của ông Tám cần đến 18 - 20 tiếng để thực hiện. Việc hoàn thiện một chiếc áo và giao cho du khách ngay trong ngày là điều rất khó. Đây cũng lý do người thợ này không kỳ vọng vào việc bán sản phẩm nếu làm du lịch làng nghề.

Khó bán sản phẩm, nhất là khi phải giữ được cái hồn cốt riêng làm nên giá trị. Vậy, khi phát triển du lịch làng nghề, người làm nghề sẽ phải bán gì?

Làng hương Quảng Phú Cầu hút du khách cũng bắt đầu từ những bức hình về người lao động phơi hương. Nhưng muốn du lịch phát triển mạnh hẳn không thể tiếp tục trông chờ vào việc để du khách đến và chụp vài bức hình, nhất là khi cả làng giờ cũng chỉ có 2 điểm chụp hình - một của hộ dân, một của nhóm hộ dân, đều tự phát, nhỏ lẻ, dễ nâng lên nhưng cũng dễ buông xuống của người làm.

Du lịch làng nghề: Bao giờ cất cánh? - Ảnh 10.

Việc xây dựng văn hóa làng nghề qua mỗi sản phẩm để hút rồi giữ chân du khách không thể chỉ là của một hộ hay một nhóm hộ, của chính quyền hay của người dân, cũng là để môi trường du lịch làng nghề không thể chỉ sạch, chỉ đẹp ở điểm chụp hình mà ngay cạnh đó là bụi bẩn, nước thải của hoạt động sản xuất vì mạnh ai nấy làm.

Bán gì cho du khách? Sản phẩm hay câu chuyện của sản phẩm vẫn phải đợi sự lựa chọn của mỗi làng nghề. Nhưng du khách thì có lẽ sẽ khó đợi cho quyết định đến hay đi của mình!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước