Đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân đang là mối quan tâm của nhiều địa phương, trong đó có cả các đô thị lớn. Riêng tỉnh Thái Bình đã có cách làm sáng tạo, huy động nguồn lực xã hội hóa một cách hiệu quả cho công tác này.
1 năm kể từ khi con trai chào đời, cũng từng ấy thời gian gia đình anh Tường dùng nước nhà máy. Cái giếng khoan bị lấp, thay vào đó là những téc nước.
Từ năm 2016, téc nước là một trong những ngành phát triển tốt ở tỉnh. Ở Thái Bình, giờ đây, hộ nào cũng được dùng nước sạch. Đây là một trong những tỉnh đầu tiên hoàn thành mục tiêu này.
Để có hơn 30 nhà máy và trạm cấp nước với tổng công suất lên tới hàng trăm nghìn m3/ngày đêm, cung cấp nước cho nhân dân 250 xã phường, nhiều giải pháp xã hội hóa đã được quyết liệt triển khai.
Ở đây, các doanh nghiệp sản xuất nước được hỗ trợ mặt bằng và tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Một cuộc vận động toàn dân phát triển nước sạch cũng đã được thực hiện.
Tại những lớp học bán trú tại Trường mầm non Phong Châu, có thể những đứa trẻ này vẫn còn quá nhỏ để biết về câu chuyện nước máy, nước giếng. Có chăng là qua lời ca tiếng hát người dân đất "nôi chèo" Làng Khuốc. Nhưng có nước sạch, bài học về tiết kiệm nước, rửa tay của các em nay đã trực quan hơn. Và quan trọng hơn cả là các em sẽ được lớn lên cùng dòng nước an toàn.
Đảm bảo nước sạch cho 100% người dân không phải dễ, bởi ngay cả tại Thủ đô Hà Nội, nhất là các huyện ngoại thành cũng còn khoảng 150 xã chưa có nước sạch. Thế nhưng, một địa phương còn khó khăn hơn như Thái Bình lại có thể làm được.
Qua đây có thể thấy rõ ràng, ở đâu có sự quyết tâm của chính quyền, sự chung tay, góp sức của doanh nghiệp và nhất là đồng lòng của người dân, các mục tiêu nâng cao đời sống của người dân sẽ không khó thực hiện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!