Tuy nhiên, do phát triển trong điều kiện không thuận lợi trong thời gian dài, hiện nhiều cây đã có dấu hiệu suy yếu, có nguy cơ gãy đổ.
Một gốc cây vừa được đục lớp bê tông để giải thoát. Không cần phải có chuyên môn về thực vật, nhìn bằng mắt thường có thể thấy cây đã có sự phát triển bất thường. Phần cổ gốc cây phía trên mặt đất phình to, trong khi phần bị đổ bê tông bị tóp lại.
"Thấy việc này tồn tại hơn 1 năm nay. Nó không xanh mà cứ héo xanh, héo xanh liên tục. Tưới nước nước không xuống được, nguy cơ cây chết cũng cao. Nếu một thời gian dài như vậy nguy cơ cây bật gốc là có", anh Trần Thiên Ân, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, chia sẻ.
Tại con đường này, có tới 30 cây xanh đã bị đổ bê tông và vừa được đục bỏ. Các cây xanh tại khu vực này là loại giáng hương lá lớn, có đường kính từ 30 - 40 cm. Khi thực hiện dự án mở rộng đường Trường Sơn, đơn vị thi công đã xây dựng những tấm đan bê tông.
Qua rà soát, đơn vị quản lý đã cử nhân viên đục bê tông mở rộng khoảng trống quanh gốc cây. (Ảnh: Dân trí)
Theo TS. Chế Đình Lý, cây xanh bị trám bê tông quanh gốc ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng và dễ gãy đổ.
"Ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của cây vì rễ không thở được, không phát triển, dần dần có thể chết hoặc rễ không phát triển cây dễ ngã đổ. Để ngăn rác và đảm bảo mỹ quan đô thị nên làm vỉ che gốc cây bằng sắt, bằng gạch lỗ, đảm bảo thông khí cho rễ cây", PGS. TS. Chế Đình Lý, nguyên Phó Viện Trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, nhận định.
TS. Chế Đình Lý cho rằng, có thể mục đích ban đầu là ngăn tình trạng rác bị bỏ quanh gốc cây, cùng với sự không đồng bộ của các đơn vị thi công cầu đường và quản lý cây xanh nên xảy ra tình trạng trên.y.
Việc chăm sóc cây xanh ở TP Hồ Chí Minh thời gian gần đây đang phát sinh một số vấn đề. Cách đây hơn 1 tuần, nhiều cây xanh cũng đã bị cắt tỉa, chỉ còn trơ thân trụi lá.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!