Đuối nước – nỗi ám ảnh khi hè về

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 14/05/2022 19:15 GMT+7

VTV.vn - Cứ hè đến là những vụ trẻ em đuối nước thương tâm lại trở thành nỗi ám ảnh với các gia đình, nhà trường, địa phương và cơ quan chức năng.

Năm nào cũng như năm nào và năm nay không phải ngoại lệ. Mới đầu hè, đã có hàng chục trường hợp trẻ em ở nhiều địa phương tử vong vì đuối nước.

Mới nhất, ngày 13/5, tại Bình Phước, 2 em học sinh lớp 9 bị đuối nước trong lúc câu cá tại kênh Suối Giao. Một em trong nhóm đã chạy lên bờ kêu cứu khi phát hiện hai người bạn chìm xuống kênh nước sâu hơn 4m. Nhận được tin báo, chính quyền và người dân xã Tân Lập đã tìm kiếm, trục vớt thi thể 2 nam sinh.

Cũng vào chiều 13/5, tại tỉnh Bình Thuận, 4 du khách Hà Nội xuống tắm ở bãi Đá Ông Địa, TP Phan Thiết. Không may cả 4 người bị dòng nước kéo ra xa. Người dân và bảo vệ bãi tắm bơi ra chỉ cứu được hai người. Thi thể hai nạn nhân còn lại được lực lượng tìm thấy sau 2 giờ.

Sau mỗi vụ việc như trên, nỗi đau, mất mát là rất lớn cho gia đình, nhà trường, xã hội...

Đuối nước – nỗi ám ảnh khi hè về - Ảnh 1.

Một giờ học bơi của các em học sinh

Đoạn sông Cầu chảy qua địa bàn xã Đào Xá, huyện Phú Bình, tỉnh thái Nguyên là nơi cách đây mấy hôm, 1 nam học sinh lớp 5 đã tử vong vì đuối nước. Trong căn nhà nhỏ, chẳng biết đến bao giờ nỗi đau mất người thân mới nguôi ngoai với những người ở lại.

Huyện Phú Bình có 2 con sông lớn là sông Đào và sông Cầu chảy qua địa bàn nhiều xã. Bờ sông dễ trơn trượt, nhiều điểm nước sâu lại chưa được cắm biển cảnh báo. Đã có nhiều vụ đuối nước đau lòng xảy ra ngay cả khi các em học sinh đã biết bơi, thậm chí bơi rất giỏi. UBND huyện cho biết, hè năm nào, Phòng Giáo dục và Đào tạo của huyện cũng gửi công văn đề nghị các trường học tăng cường triển khai các biện pháp phòng ngừa đuối nước.

Ba ngày trước khi xảy ra vụ đuối nước thương tâm ở xã Đào Xá khiến 1 em học sinh lớp 5 tử vong, trên đoạn sông Cầu chảy qua địa bàn xã Nga My, huyện Phú Bình cũng đã có 2 em học sinh lớp 7 tử vong vì đuối nước. UBND huyện Phú Bình nhận định, trong khi việc phổ cập bơi lội và trang bị các kỹ năng phòng tránh đuối nước cho trẻ em trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn, thì trách nhiệm của mỗi gia đình trong việc quản lý con em mình đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nếu vấn đề này còn chưa được quan tâm đúng mức, vẫn sẽ còn nhiều gia đình có trẻ nhỏ phải chịu nỗi đau mang tên "đuối nước" trong mỗi dịp hè.

Giải pháp tốt nhất cho vấn đề này vẫn là dạy bơi cho trẻ. Bên cạnh đó, cần phải sử dụng tới khái niệm phổ cập bơi lội cho trẻ em. Thực tế hiện nay công tác này cũng đã được các nhà trường triển khai. Thế nhưng khái niệm phổ cập bơi lội hiểu thế nào cho đúng. Triển khai thế nào cho hiệu quả thì còn nhiều những vướng mắc gì?

Giờ học bơi của các em học sinh lớp 6 trên địa bàn huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Do không có bể bơi nên ở trường, trong 2 tiết học thể dục mỗi tuần, môn bơi chỉ được dạy tích hợp với các môn rèn luyện thể chất khác theo hình thức làm quen với lý thuyết trên sân trường.

Còn ở ngôi trường khác, Ban giám hiệu nhà trường đã kêu gọi được 1 công ty tư nhân, đầu tư 1 bể bơi thông minh theo hình thức xã hội hoá. Thế nhưng bể bơi mốc meo vì quanh năm chỉ cất trong thùng sắt, xếp gọn dưới gầm cầu thang. Ban giám hiệu nhà trường cho biết, việc xoay xở để có được bể bơi cho học sinh học bơi đã khó, việc quản lý, vận hành bể bơi lại còn khó khăn hơn.

Trong cái khó vì không có bể bơi, giải pháp được các trường học lựa chọn là phối hợp với các bể bơi tư nhân để tổ chức các giờ học bơi. Tuy nhiên, theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Bình, cách làm này cũng không mấy hiệu quả. Vì cả huyện có hơn 30.000 học sinh nhưng chỉ có 8 bể bơi tư nhân quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, việc thu hút các em học sinh đến bể bơi cũng không hề đơn giản.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Bình cũng cho biết, hơn 90% trong tổng số hơn 30.000 học sinh Tiểu học và THCS trên địa bàn huyện đã biết bơi. Tuy nhiên đây chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để phòng ngừa đuối nước vì có rất ít các em trong số này chỉ biết bơi mà chưa biết cách xử lý tình huống hay sơ cấp cứu khi gặp tai nạn đuối nước. Do đó phổ cập bơi cho học sinh để các em nắm được các kỹ năng quan trọng vẫn là bài toán khó đặt ra cho huyện Phú Bình trong thời gian tới.

Mỗi năm tại Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em bị chết do đuối nước. Tỷ lệ này cao gấp 10 lần so các nước đang phát triển và cũng cao hơn mức trung bình của các nước ASEAN và thế giới. Các huấn luyện viên bơi lội cũng khuyến cáo, cha mẹ tuyệt đối không lơ là khi con chơi ở môi trường nước. Nhắc nhở trẻ tuân thủ mọi nguyên tắc tại bể bơi hay khu vui chơi dưới nước, tuyệt đối không tự ý xuống nước khi chưa có sự cho phép của người lớn, ngay cả khi trẻ đã biết bơi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước